Nuôi ong ở Phúc Tân

15:57, 07/09/2009

Xã Phúc Tân hiện có 2.251ha rừng chiếm 65% diện tích đất tự nhiên, trong đó có: 1.071ha rừng phòng hộ và 1.180ha rừng sản xuất. Dựa trên lợi thế từ rừng, nghề nuôi ong ở đây đã phát triển tốt. Chất lượng mật ong của Phúc Tân đặc biệt có tiếng vì có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình nuôi ong đều ở quy mô nhỏ lẻ và phân tán.

 

Theo Chương trình hỗ trợ của Bồ Đào Nha về vốn và kỹ thuật, tháng 6/ 2008, Hợp tác xã nuôi ong xã Phúc Tân được thành lập. Theo đó, mỗi xã viên sẽ được hỗ trợ 50% vốn để mở rộng quy mô đàn ong. Chương trình đã tổ chức 3 buổi tập huấn về kỹ thuật nuôi ong cho 70 học viên, 1 buổi tập huấn cho Ban quản trị HTX về công tác tư vấn, quản lý. Đến nay, HTX nuôi ong Phúc Tân đã có 9 gia đình ở các xóm 3, 6, 8 với tổng số trên 300 thùng ong. Số vốn đóng góp của xã viên lên tới gần 100 triệu đồng.

 

Theo ông Trần Quang An, Phó Chủ nhiệm HTX: Việc thành lập HTX nuôi ong là cơ sở cho các xã viên được hỗ trợ và chăm sóc về kỹ thuật, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mật. Bản thân ông An đã nuôi ong được 12 năm, khi tham gia hợp tác xã được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 12 triệu đồng, ông đã mở rộng số lượng từ 20 lên 50 thùng ong. Mỗi thùng ong 1 năm cho khoảng 6 đến 7 lít mật, với giá bán trung bình từ 70 đến 80 nghìn đồng/ lít, ông thu lãi khoảng 25 triệu đồng/năm. Thấy nghề nuôi ong đem lại hiệu quả, ông An dự định sẽ mở rộng quy mô lên 100 đàn vào cuối năm nay.

 

Ông Nguyễn Doanh Phúc, xã viên có 60 thùng ong cho biết thêm: Khi đã nắm được kỹ thuật thì việc nuôi ong rất đơn giản, không mất nhiều công chăm sóc. Phúc Tân có nhiều rừng tự nhiên  và còn ít sử dụng thuốc hoá học trong nông nghiệp nên hầu như không phải cung cấp thức ăn cho ong và ít bị dịch bệnh, chi phí lớn nhất là đầu tư ban đầu gồm: Thùng, cầu ong, giống khoảng 500 nghìn đồng/ thùng. Mỗi năm, từ 60 thùng ong của ông Phúc cho lãi trên 30 triệu đồng. Theo ông Trần Quang An: HTX đang lên kế hoạch xây dựng trụ sở, trang bị phương các phương tiện hoạt động và tập trung vào phát triển về số lượng xã viên. Phúc Tân có khoảng 40 gia đình nuôi ong chưa vào HTX. Thấy được lợi ích khi là xã viên của HTX nuôi ong nên hiện nay có khoảng 15 hộ đang làm đơn để xin gia nhập HTX. Vấn đề quan trọng hiện tại là tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong Phúc Tân. Hiện, mật ong chủ yếu được tiêu thụ nội bộ trong huyện và nhỏ lẻ cho khách hàng quen. Sản lượng mật ong năm 2009 ước đạt khoảng 2.000 lít và đã bắt đầu có dấu hiệu bị ứ đọng ở một số hộ xã viên. Nếu tiếp tục mở rộng quy mô thì vấn đề tiêu thụ sẽ thực sự gặp khó khăn. Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân cho biết: Mô hình HTX nuôi ong ở Phúc Tân rất phù hợp với điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển kinh tế của xã. Tuy vậy, chính quyền xã cũng đang lúng túng để tìm đầu ra ổn định của mật ong nói riêng và sản phẩm nông sản nói chung.

 

Ông Ngô Thành Đê, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNN huyện Phổ Yên: Sản phẩm mật ong của Phúc Tân đã có tiếng về chất lượng vì 100% là mật ong rừng. Để đảm bảo lợi ích kinh tế cho xã viên và tạo đầu ra ổn định, lâu dài cần tiếp tục đảm bảo được chất lượng nguồn mật. Quan trọng hơn, cần phải cần phải tạo được thương hiệu cho sản phẩm mật ong Phúc Tân, đồng thời có sự hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm mật ong Phúc Tân để thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến.