Quy định giá trần cho sữa: không khả thi

08:21, 22/09/2009

- Với hàng trăm doanh nghiệp và cả nghìn sản phẩm có chi phí đầu vào, giá trị thương hiệu khác nhau làm sao có để định giá một mức giá trần cho mặt hàng sữa?  

 

Đó là ý kiến của một chuyên gia khi trao đổi với phóng viên về việc Bộ Tài chính đang dự định sẽ quy định mức giá tối đa cho mặt hàng sữa bột và yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa không được bán cao hơn mức giá này.

 

Chuyên gia này nêu thực tế, hiện nay, cũng thông qua các đơn vị tài chính địa phương, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng vẫn cập nhật giá cả vật liệu xây dựng để hình thành đơn giá, quyết toán trong các công trình của Nhà nước nhưng thực tế việc cập nhật giá này làm rất chậm và DN rất kêu ca vì kém chính xác so với biến động thị trường, gây khó khăn cho các nhà thầu.

 

Phản biện cụ thể hơn về giá trần cho mặt hàng sữa, chuyên gia này nói rằng với giá xăng dầu biến động liên tục, chỉ với hơn 10 DN đầu mối và khoảng 10 loại mặt hàng mà phản ứng của Bộ Tài chính thường chậm so với thị trường khiến cả người tiêu dùng lẫn DN gặp phải rủi ro...

 

Vậy với giá sữa biến động liên tục, hàng ngàn chủng loại, hàng trăm nhãn hiệu... nếu phản ứng chậm, khi giá lên cao, DN thua lỗ ai sẽ chịu khi họ không được bù lỗ như xăng dầu, nhưng nếu giá xuống thấp, DN lãi lớn, ai sẽ xử lý nguồn lợi nhuận này và xử lý thế nào? Bên cạnh đó, việc quy định giá mà chưa tính các chi phí bao bì có thể sẽ tạo ra các kẽ hở để DN chuyển giá thành từ nguyên liệu sữa sang chi phí bao bì để nâng giá.

 

Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính vừa có văn bản đề xuất gửi các đơn vị liên quan trong ngành tài chính đề xuất biện pháp quản lý giá sữa. Theo đó, Vụ Chính sách Thuế đề xuất Bộ Tài chính ban hành một thông tư quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa.

 

Quy định này được cho là phù hợp với các văn bản hiện hành về quản lý giá như Pháp lệnh giá, Nghị định số về bình ổn giá trong đó sữa là một mặt hàng thuộc diện bình ổn; cũng như quy định các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính trong đó có thể ban hành giá tối đa và tối thiểu.

 

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ ban hành mức giá tối đa đối với sữa của doanh nghiệp tính theo kg như Nestle bao nhiêu đồng/kg hay XO bao nhiêu tiền/kg... Đây là mức giá bán lẻ của DN chưa bao gồm chi phí bao bì.

 

Nếu ban hành mức giá này các DN sữa sẽ quy định giá bán sản phẩm sữa của mình không cao hơn giá bán quy định. Nếu bán cao hơn sẽ bị xử phạt. Mức phạt sẽ từ 10 - 20 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch giá có được do vi phạm mà có.

 

Để xác định được mức giá tối đa, văn bản này đề xuất Cục Quản lý giá sẽ chủ trì thống kê, tổng hợp giá bán lẻ tại các địa phương, cùng với các đơn vị như hải quan, thuế... xác định chi phí, lợi nhuận hợp lý cho hoạt động kinh doanh sữa để Bộ Tài chính ban hành mức giá tối đa để áp dụng.

 

Liên hệ với một số đơn vị quản lý và DN được biết, họ đều chưa nhận được thông tin này và chưa hiểu cụ thể về đề xuất này. Trong khi đó, một chuyên gia Cục Quản lý giá cho biết, đây mới là một đề xuất từ Vụ Chính sách thuế để xin ý kiến các cơ quan trong ngành tài chính. Văn bản mới được gửi đến các đơn vị cách đây 3-4 ngày. Hiện tại, đề xuất này mới chỉ được xem xét và cho ý kiến, nếu có được ban hành cũng sẽ phải xin ý kiến công khai của các tổ chức cá nhân.