Sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè ở Phú Lương

08:37, 17/09/2009

Với huyện Phú Lương, cây chè được coi là cây trồng mũi nhọn sau cây lúa. Tuy nhiên, những năm trước, giá trị thu được từ chè chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Bởi vậy, từ năm 2006 đến nay, địa phương đã quan tâm đầu tư trồng mới được 261ha chè bằng các loại giống có năng suất, chất lượng cao như chè cành LDP1, TRI 777… đưa tổng diện tích chè hiện có của huyện lên có 4.260ha, trong đó có 3.999ha chè kinh doanh.

 

Theo đó, huyện cũng đầu tư cải tạo diện tích chè đã thoái hóa (từ năm 2006-2008, cải tạo được 600ha). Sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc, cải tạo, đến nay, diện tích chè này đã nhanh chóng phục hồi và cho năng suất khá ổn đinh, bình quân đạt trên 55 tạ/ha, tăng hàng chục tạ/ha so với khi chưa cải tạo. Ngoài ra, 3 năm qua, huyện cũng đầu tư thâm canh 2.500ha chè cao sản, năng suất bình quân từ năm 2006 đến 2008 đã đạt 101,6tạ/ha, tăng khoảng 30tạ/ha/năm. Với diện tích chè kinh doanh, năm 2006 Phú Lương mới chỉ có 3.720ha, đến hết năm 2008 tăng lên 3.999ha, bình quân năng suất 3 năm qua đạt 82 tạ chè búp tươi/ha/năm. Tính bình quân chung 3 năm (2006-2008), giá trị thu được từ chè của huyện lên đến 581 tỷ đồng, tăng hàng chục tỷ đồng so với năm 2005.

 

Đồng chí Nghiêm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương khẳng định: Hiệu quả thu được từ chè tăng không chỉ do việc đầu tư nâng cao năng suất, sản lượng mà do người sản xuất chè đã chú trọng thay đổi quy trình chăm sóc chè như: Bón phấn cân đối, hạn hế sử dụng hóa chất độc hại, quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM; từng bước thay đổi cơ cấu giống… nên chất lượng chè đã nâng lên và được thị trường chấp nhận. Hiện nay, huyện đã hình thành nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng như: Khe Cốc, Thác Dài (Tức Tranh), Phú Nam (Phú Đô), Dộc Mấu (Phấn Mễ)…

 

Năng suất, chất lượng chè của Phú Lương ngày càng được nâng lên, nhưng những năm qua, hoạt động chế biến chè lại chưa được địa phương quan tâm đúng mức. Hầu hết chè được chế biến tại các địa phương trong các huyện đều theo phương pháp thủ công hoặc bán công nghiệp, sản lượng chè qua chế biến công nghiệp còn thấp. Trên địa bàn huyện có 4 cơ sở chế biến công nghiệp hoạt động cầm chừng do không thu mua được nguyên liệu. Hơn nữa, thiết bị công nghệ, dây truyền chế biến của các nhà máy này lạc hậu nên chỉ dừng lại ở mức sơ chế, sản phẩm làm ra chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Duy nhất chỉ còn 1 cơ sở mới đầu tư dây truyền chế biến chè khá hiện đại tại xã Tức Tranh nhưng hoạt động chưa thật sự hiệu quả do không thu mua được đủ nguyên liệu đầu vào.

 

Với hoạt động tiêu thụ chè, từ năm 2007, thương hiệu chè Thái được xây dựng, hệ thống chợ nông thôn cũng được nâng cấp và phát triển nên việc tiêu thụ chè của huyện đã thuận lợi hơn, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu chè, tập trung hình thành những vùng sản xuất mang những thương hiệu riêng của địa phương, như làng nghề sản xuất chè an toàn Thác Dài, xã Tức Tranh. Nhưng do sản lượng chế biến công nghiệp không nhiều, nên việc tiêu thụ chè thông qua các doanh nghiệp không lớn. Đa số sản phẩm chè do người sản xuất tự chế biến và tiêu thụ tại các chợ nông thôn hoặc qua các tư thương, do vậy giá chè không ổn định, bấp bênh, thường bị tư thương ép giá.

 

Trong quá trình gia nhập WTO như hiện nay, chè là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thái Nguyên, bởi vậy, nâng cao chất lượng chè chính là yếu tố quan trọng giúp cho thương hiệu chè của Phú Lương nói chung, Thái Nguyên nói riêng đến được với các nước trên thế giới. Do đó, huyện cần rà soát quỹ đất, hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến chè theo vùng tập trung để đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các dịch vụ phụ trợ cho vùng sản xuất chè; cung cấp thông tin, giá cả thị trường cho người sản xuất; khuyến khích chế biến chè đặc sản theo công nghệ tiên tiến, thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến chè hiện đại, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quản bá, giới thiệu sản phẩm chè của huyện ra thị trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ thương mại…