Đầu năm 2007, khi Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Lương triển khai chương trình vay vốn cho đối tượng chính sách và hộ nghèo, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tức Tranh là một trong những đơn vị thực hiện cho hội viên đăng ký vay nhiều nhất trong các cơ sở hội của huyện Phú Lương với số tiền 1,8 tỷ đồng. Sau gần 3 năm triển khai, nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình hội viên phát triển.
Ông Phạm Văn Dậu, Chủ tịch CCB xã Tức Tranh cho biết: Đến nay, đã có 284/ 374 gia đình hội viên tham gia vay vốn, trung bình từ 10 đến 15 triệu đồng/ hộ. Hội CCB xã tham gia quản lý 210 hộ vay vốn ở 3 xóm: Đồng Danh, Thâm Găng và Cây Thị và tổng số vốn vay là 2,35 tỷ đồng. Phần lớn hội viên sử dụng vốn đầu tư cho phát triển cây chè và chăn nuôi gia súc. Để giúp đỡ hội viên sử dụng nguồn vốn vay đạt hiệu quả, Hội CCB xã đã phối hợp với Hội Nông dân và Hội Phụ nữ tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, đưa các giống chè mới vào trồng thay thế các giống cũ, chất lượng thấp. Từ đầu năm 2009 đến nay, tại xã đã mở được 6 lớp tập huấn, mỗi lớp thu hút từ 60 đến 80 học viên. Đồng thời, Ban kiểm tra của Hội cũng thường xuyên giám sát, đánh giá kết quả sử dụng vốn hàng tháng. Do vậy, nguồn vốn vay Ngân hàng luôn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả tích cực.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đến xóm Đồng Danh, Chi hội trưởng CCB Vũ Mạnh Hùng cho biết: Chi hội Đồng Danh có 14/16 hộ vay vốn với tổng số tiền là 150 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, từ năm 2007 đến nay, Chi hội đã giảm được 4 hộ nghèo, đang phấn đấu xoá nốt hộ nghèo còn lại trong năm 2009. Hộ ông Hùng cũng vay 29 triệu đồng, cộng với số tiền của gia đình dành dụm được, ông đầu tư nuôi 12 con lợn nái; nuôi gà thịt kết hợp với làm ruộng và sản xuất chè, cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình có điều kiện cho 2 con ăn học: Con trai cả Vũ Ngọc Hà hiện đang du học tự túc tại Đại học Pusan (Hàn Quốc), con thứ Vũ Văn Huấn đang học Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ông Hùng tâm sự: “Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ lãi suất thấp của Ngân hàng, gia đình tôi không biết xoay sở thế nào, vì vốn vay ngoài rất hạn chế và lãi suất cao”. Đối với Chi hội xóm Sông Găng, Chi hội trưởng CCB Nịnh Văn Đạo cho biết: Chi hội có 21 hội viên, chủ yếu là dân tộc Sán chí, 100% hội viên đã vay vốn của Ngân hàng để phát triển kinh tế. Hướng phát triển chủ yếu của hội viên xóm Sông Găng là đầu tư cho chăn nuôi trâu và lợn. Đến nay, qua gần 3 năm vay vốn, Chi hội Sông Găng đã có 5 hội viên thoát nghèo, 16 gia đình hội viên thuộc diện khá và giầu. Điển hình như: Ông Nịnh Tiến Thành, sử dụng 17 triệu đồng vốn vay đầu tư chăn nuôi lợn thịt và phát triển 3.000m2 chè, cho thu nhập 60 đến 70 triệu đồng/ năm. Ông Nịnh Duy Hùng vay 12 triêụ đồng, đầu tư nuôi lợn và kết hợp nấu rượu, cho thu nhập 50 triệu đồng/ năm...
Theo ông Vũ Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh: Xã Tức Tranh đã có sự phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân thuộc diện chính sách được vay vốn đầu tư cho sản xuất. Xã đã phân vùng quản lý ở 24/24 xóm cho các tổ chức đoàn thể, nên không xảy ra tình trạng chồng chéo trong quản lý và giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay. Đồng thời, xã cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá kỹ những mô hình sản xuất và khả năng thực hiện để cung cấp vốn phù hợp. Do vậy, nguồn vốn vay Ngân hàng đã phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng cho sự đi lên của kinh tế địa phương