Theo thông tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành về việc hướng dẫn kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trước khi đưa ra thị trường, đối với thị trường trong nước, các sản phẩm thủy sản tươi, sống phải đảm bảo có thông tin để truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Các sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, chế biến phải được sản xuất, kinh doanh tại cơ sở sơ chế, chế biến, lưu giữ, bảo quản đã được công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có giấy chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản của cơ quan kiểm tra địa phương cấp.
Thông tư cũng nêu rõ, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện như được sản xuất từ cơ sở đã được công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời đáp ứng các quy định của các thị trường nhập khẩu tương ứng; được kiểm tra chứng nhận về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (yêu cầu ghi nhãn, tỉ lệ mạ băng, chỉ tiêu sinh học, hóa học...) theo quy định của nước nhập khẩu hoặc quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố áp dụng theo từng thời kỳ.
Các địa phương cần thành lập đoàn kiểm tra đột xuất về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở và lấy mẫu thẩm tra nếu cần. Nếu kết quả mẫu thẩm tra không đạt, cơ quan kiểm tra địa phương xử lý vi phạm hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo các quy định hiện hành và yêu cầu cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục; kể cả việc thu hồi sản phẩm đã lưu thông trên thị trường và đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh của cơ sở.
Đối với trường hợp có đầy đủ bằng chứng cho thấy sản phẩm không phù hợp với quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc cơ sở không thực hiện các yêu cầu trong thông báo thì cơ quan kiểm tra địa phương kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.