Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị giao ban sản xuất ngày 28/9 tại Hà Nội, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Trong 9 tháng đầu năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước đã đạt 4,59%; trong đó tốc độ tăng trưởng khu vực nông-lâm-ngư nghiệp là 1,57%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,48%; khu vực dịch vụ tăng 5,91%. Đây là tiền đề để tạo nên tốc độ tăng trưởng GDP 5 - 5,2% cho cả năm.
Mặc dù, các chỉ tiêu chủ yếu hiện nay đều thấp hơn so với cùng kỳ nhưng theo các đại biểu, việc tiếp tục tăng trưởng dương (quý I tăng trưởng 3,11%, quý II tăng trưởng 4,46%, quý III tăng trưởng 5,76%) cho thấy xu hướng phục hồi rõ nét hơn của nền kinh tế. Kết quả này cũng thể hiện sự quyết liệt điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Vượt qua nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả tốt cả về kinh tế, xã hội và ổn định giá lương thực, nhất là vụ Đông xuân. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 9 tháng đã tăng 2,6% so cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị sản xuất công nghiệp tuy tốc độ tăng không cao, chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ, nhưng sự tăng liên tục cho thấy sản xuất đang phục hồi. Mặc dù thị trường bị thu hẹp song các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng để xuất khẩu không quá sụt giảm.
Tuy nhiên với 41,7 tỷ USD đạt được trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 6,5 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 48,2 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ 16,2 tỷ USD.
Lĩnh vực dịch vụ có nhiều chuyển biến; thu ngân sách nhà nước đạt tốc độ tăng khá. Chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, cuộc họp nhận định, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn cần được quan tâm xử lý đó là: giá cả có xu hướng tăng, nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh lưu ý các bộ, ngành, địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn cần tiếp tục tìm thị trường xuất khẩu bởi 9 tháng xuất khẩu đã âm (-14,3%) thì cả năm nguy cơ sẽ còn âm hơn.
Các bộ, ngành, địa phương cần sớm đưa ra dự báo thị trường và kiểm soát chặt chẽ về giá cả.
Theo ông Sinh, từ đầu năm đến nay, các địa phương giải ngân có tiến triển nhưng vẫn còn rất thấp; do vậy cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân.