Yên Ninh phát triển kinh tế đồi rừng

15:13, 23/09/2009

Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo đứng vào “top” cuối của huyện Phú Lương (trên 56%), những năm gần đây, nhờ chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng nên đời sống của người dân xã miền núi Yên Ninh được cải thiện đáng kể.

 

Một số loại cây trồng cho thu nhập cao đang dần khẳng định vị thế trên mảnh đất này. Điều đặc biệt là người dân nơi đây không phải “đau đầu” đi tìm những giống cây mới lạ về trồng, mà họ đã biết cách đầu tư để phát huy thế mạnh một số cây trồng bản địa phù hợp với tập quán canh tác của địa phương.

 

Trong ngôi nhà mới xây còn chưa quét sơn, ông Triệu Hữu Thêm, xóm Suối Bén tự hào khoe: Căn nhà này tôi có được là nhờ trồng chuối tây. Trước đây, vào thời điểm giáp hạt, cả nhà phải chạy vạy lo cái ăn từng bữa. Thấy người dân xóm Suối Hang (xóm giáp ranh) trồng chuối tây cho hiệu quả kinh tế cao nên năm 2005 tôi vận động gia đình phá bỏ diện tích rừng PAM cũ để trồng chuối. Từ 200-300 gốc chuối ban đầu, đến nay gia đình đã có gần 1 nghìn gốc chuối với diện tích khoảng 0,5ha. Ở đây thường trồng chuối vào tháng 4 (âm lịch), một năm sau chuối cho thu hoạch với giá bán từ 30 đến 40 nghìn đồng/buồng, mỗi buồng trung bình có 10 nải. Trồng chuối cho thu hoạch quanh năm nên thu nhập cao hơn các cây trồng khác, vì vậy gia đình tôi đã có của ăn của để, ngoài ra còn tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng vừa xây ngôi nhà mới này…

 

Để tìm hiểu thêm về hiệu quả kinh tế do cây chuối tây đem lại, chúng tôi được ông La Tài Cao, Trưởng xóm Suối Hang cho biết: Xóm có 75 hộ dân với 100% là đồng bào dân tộc Dao. Do điều kiện địa hình của địa phương toàn đồi, núi nên người dân trong xóm chỉ trồng 2 loại cây chính là ngô và chuối tây. Cây chuối tây trồng ở Suối Hang cũng được khoảng 20 năm nay nhưng trước kia người dân trồng ít, mỗi nhà trồng vài chục gốc để phục vụ nhu cầu của gia đình. 7-8 năm trở lại đây, khi chuối trở thành hàng hóa thì người dân trong xóm đồng loạt phá bỏ nhiều diện tích đồi tạp để chuyển sang trồng chuối. Hiện cả xóm có khoảng 30-45 ha chuối tây trồng chủ yếu trên đồi. Các hộ trồng nhiều chuối như gia đình ông Triệu Hữu Kinh, La Văn Tiến, Triệu Hữu Hòa… mỗi hộ có khoảng 2 ha trở lên; 70% số hộ trong xóm có diện tích từ 1 ha trở lên.

 

Nói về hiệu quả kinh tế của cây chuối thì một điều dễ nhận thấy nhất là những hộ có diện tích trồng chuối lớn thường là hộ kinh tế khá, còn những hộ trồng ít chuối thường rơi vào hộ nghèo. Thu nhập từ cây chuối tây đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xóm từ trên 50% (hơn 30 hộ) năm 2005 xuống còn 23 hộ vào năm 2007, tỷ lệ hộ có mức sống trung bình trở lên chiếm 60% và 60% số hộ đạt gia đình văn hóa…

 

Cùng với cây chuối, những năm gần đây, người dân Yên Ninh còn quan tâm phát triển trồng rừng. Ông Lê Thanh Tịnh, xóm Đồng Danh cho biết: Gia đình tôi vừa bán 1ha keo lai được gần 100 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với người dân miền núi. Được biết, nhờ chính quyền địa phương khuyến khích người dân trồng rừng nên diện tích rừng trồng của toàn xã hiện lên tới trên 460 ha với giống cây trồng chủ yếu là cây keo lai. Ngoài ưu điểm có thời gian trồng ngắn từ 7-8 năm, cây keo lai còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Những xóm trồng nhiều rừng tiêu biểu như: Làng Muông, Đồng Kem 10, Khe Khoang… Trồng rừng không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà dưới tán rừng, người dân còn có thể tận dụng để chăn nuôi trâu, bò, dê… Ngoài ra, từ năm 2005 trở lại đây, người dân Yên Ninh cũng tích cực phát triển cây chè, đặc biệt là ở các xóm Yên Phú, Bằng Ninh… Đến nay, Yên Ninh có 154 ha chè kinh doanh, trong đó gần 20 ha chè cành; năng suất chè của địa phương đạt từ 60 đến 70 tạ/ha.

 

Ông Triệu Văn Chu, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết: Với đặc điểm là một xã miền núi với 6 dân tộc anh em chung sống nên việc vận động, khuyến khích người dân phát triển kinh tế đồi rừng chúng tôi cũng phải có cách làm khác với nhiều địa phương. Đầu tiên, chúng tôi xây dựng một số mô hình điểm, khi những mô hình này cho hiệu quả thì người dân trong xóm, rồi những xóm lân cận cũng “tự động” làm theo. Tiếp đó, chúng tôi đưa ra những giải pháp cụ thể để giúp người dân có đồng vốn, kiến thức áp dụng vào sản xuất. Với hàng chục lớp tập huấn được mở ra quanh năm cũng phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học hỏi của người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cùng với đó các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng tại địa phương vay vốn giúp nông dân. Đến nay, tổng dư nợ của Yên Ninh tại các ngân hàng lên tới gần 10 tỷ đồng… Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng đúng hướng đã góp phần tăng thu nhập bình quân của người dân Yên Ninh từ 4-5 triệu đồng (năm 2006), lên 6-7 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm từ 56% (năm 2006) xuống còn 53,6% như hiện nay.