Trong những năm qua, chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Võ Nhai đã góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của huyện. Tổng sản lượng cây trồng hằng năm đều tăng từ 5% đến 10%. Góp phần quan trọng đem lại đời sống ngày càng no ấm cho đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao này…
Làm giàu từ cây ngô lai
Trước năm 2000, toàn huyện có trên 3 nghìn ha đất trồng ngô và hầu hết diện tích trên đều trồng các giống ngô địa phương, cho tổng sản lượng chỉ vào khoảng trên 4 nghìn tấn. Những năm sau đó, huyện Võ Nhai đã tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển sang trồng các giống ngô lai như DK4300, NK4300, LVN99. Ban đầu chỉ có một số ít hộ dân tham gia trồng thử với diện tích nhỏ. Khi đã thấy rõ hiệu quả, đông đảo nông dân trong huyện đã chuyển đổi giống và hiện nay, 100% nông dân ở Võ Nhai trồng các giống ngô lai cho năng suất cao gấp 3 lần giống ngô trước đây. Diện tích trồng ngô của huyện không ngừng tăng qua các năm và đặc biệt tăng mạnh trong năm 2009. Theo kế hoạch, năm 2009, toàn huyện trồng 4,1 nghìn ha ngô. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích gieo trồng ngô cả năm của huyện đã đạt gần 5,7 nghìn ha và dự kiến đạt tổng sản lượng trên 24 nghìn tấn. Cây ngô được trồng nhiều ở một số xã phía Đông Nam như: Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long, Phương Giao, Phú Thượng…
Tràng Xá là xã có diện tích ngô lớn nhất với tổng diện tích trong cả hai vụ của năm nay là trên 1,6 nghìn ha. Ông Hoàng Văn Phơi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trên 200 ha trồng mía cho thu nhập bấp bênh cũng đã được nông dân trong xã chuyển sang trồng ngô lai cho giá trị kinh tế cao, dễ chăm bón, tiêu thụ. Đến bản người Mông Chòi Hồng, chúng tôi được biết trước đây 156 hộ dân ở đây chủ yếu trồng giống ngô Kim Bôi và trồng mía. Do sản lượng ngô thấp, giá trị cây mía không ổn định nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2003, hơn 10 hộ dân ở Chòi Hồng bước đầu chuyển sang trồng các giống ngô lai cho năng suất cao và đến năm 2006, tất cả các hộ ở đây đã chuyển sang trồng ngô lai. Nhờ chuyển đổi giống ngô, số hộ nghèo của Chòi Hồng đã giảm mạnh (từ hơn 80 hộ năm 2006 xuống còn 20 hộ hiện nay). Nhiều gia đình có diện tích đất trồng ngô lớn đã giàu lên như gia đình ông Ma Văn Lý, Đào Văn Sùng, Đào Văn Lý… Ông Ma Văn Lý cho biết, gia đình ông có gần 2 ha đất trồng ngô lai, mỗi năm thu hoạch trên 10 tấn ngô, cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Cùng với cây mía, mỗi năm gia đình ông thu về gần một trăm triệu đồng.
Chúng tôi đến xóm người Dao Ba Nhất của xã Phú Thượng. Xóm có 182 hộ dân tộc Dao, diện tích đất canh tác lên tới trên 70 ha chủ yếu là trồng ngô. Ông Lý Tài An, Trưởng xóm, cho biết người dân Ba Nhất chỉ mới trồng ngô lai từ khoảng 4 năm trở lại đây. Hiện nay, 100% số hộ trong xóm đã trồng cây ngô lai cho năng suất cao hơn hẳn so với giống ngô cũ. Từ khi trồng ngô lai, đời sống của người dân Ba Nhất đã dần ổn định. Cùng với các chương trình hỗ trợ khác của Đảng và Nhà nước, cây ngô đã phần nào giúp cho tỷ lệ hộ nghèo ở đây giảm mạnh: từ 90 hộ (năm 2006) xuống còn 42 hộ (hiện nay).
Thay thế lúa vụ xuân bằng cây trồng có giá trị kinh tế
Trong các vụ sản xuất ở Võ Nhai, vụ xuân có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc đưa cây trồng cạn xuống nền đất lúa. Chính vì vậy nên từ 3 năm trở lại đây, nhiều diện tích lúa vụ xuân ở Võ Nhai đã được chuyển sang trồng cây thuốc lá giống mới với đặc điểm năng suất cao, ít sâu bệnh và cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn cây lúa. Toàn huyện có 3 xã có diện tích trồng thuốc lá lớn là Lâu Thượng, Bình Long, Phú Thượng với gần 300 ha trong vụ xuân 2009, tăng gần gấp 6 lần so với năm 2007 (50ha). Theo tính toán của bà con nông dân, với giá trên 40 nghìn đồng/kg thuốc lá sấy khô như hiện nay thì 1 ha thuốc lá đạt sản lượng 2,1 tạ cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha lúa ở đây chỉ cho thu nhập gần 23 triệu đồng. Với giá trị kinh tế cao, cây thuốc lá đang được kỳ vọng là cây làm giàu cho người nông dân Võ Nhai.
Tại xã Phú Thượng, bà Hoàng Thị Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết, vụ xuân vừa rồi có tới gần 70 ha ruộng được nông dân ở đây chuyển sang trồng cây thuốc lá. Chúng tôi đến các xóm có diện tích trồng cây thuốc lá nhiều là Phượng Hoàng, Đồng Mó, Cao Lầm. Hầu hết các hộ dân ở đây có diện tích đất ruộng trồng cây thuốc lá vụ xuân đều cho thu nhập cao. Những hộ trồng vào khoảng 5 sào (gần 0,2 ha) thuốc lá đã cho thu nhập khoảng 16 triệu đồng/vụ. Một số hộ trong xóm Phượng Hoàng có nhiều diện tích đất trồng cây thuốc lá như hộ ông Hoàng Văn Mản, ông La Văn Giới… đã có thu nhập gần 50 triệu đồng mỗi vụ. “Năm nay, xóm tôi phấn đấu giảm 6/9 hộ nghèo bằng việc hướng dẫn, khuyến khích các hộ nghèo trồng cây thuốc lá, tạo nguồn thu nhập ổn định” - Trưởng xóm La Văn Huề cho biết.
Cùng với phát triển cây chè, việc mở rộng diện tích trồng cây ngô lai, cây thuốc lá trên đồng đất Võ Nhai cho thu nhập cao đã thể hiện hiệu quả công tác chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng của huyện. Đồng thời, bà con nông dân Võ Nhai cũng đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác các loại cây trồng khác như lúa, đậu tương, cây ăn quả… Ông Nông Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Cùng với các Chương trình 134, 135 của Chính phủ; chương trình xóa nhà dột nát của tỉnh thì chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng sẽ góp phần giúp cho người nông dân trong huyện thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, công tác này được chú trọng trong định hướng phát triển của huyện những năm tới”…