Khung pháp lý về cổ phần hoá (CPH) thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp khó nắm bắt. Sau CPH, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ nguyên bộ máy lãnh đạo, cách quản trị doanh nghiệp nên hiệu quả hoạt động không có gì chuyển biến.
Theo Luật Doanh nghiệp 2005 (hiệu lực thi hành từ 1/7/2006) thì đến 1/7/2010 là thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chuyển đổi thành Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo qui định của Luật Doanh nghiệp. Phải mất 17 năm để chuyển đổi 3.836 DNNN thành công ty cổ phần, trong khi đó chỉ còn hơn 1 năm để sắp xếp hơn 1.000 DNNN, trong số này có tới 760 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá (CPH) theo kế hoạch thì quả là một nhiệm vụ quá nặng nề. Chưa kể 760 DN còn lại có qui mô vốn chiếm tới hơn 70% tổng vốn các DNNN.
Còn nhiều vướng mắc
Ông Phạm Mạnh Thường – Phó Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: nhiều doanh nghiệp gặp những tồn tại về tài chính không xử lý được. Do kinh doanh thua lỗ dẫn đến mất hết vốn nhà nước, nợ xấu ngân hàng nhiều năm không trả được, nhiều tài sản tồn đọng không xử lý được… làm nhiều công ty nhà nước không cổ phần hoá được do không xác định được giá trị doanh nghiệp hoặc nếu xác định được giá trị doanh nghiệp thì không còn vốn để cổ phần hoá. Nhiều doanh nghiệp đã CPH “ép” trước đây do đánh giá tăng giá trị tài sản thì chất lượng hoạt động sau CPH cũng không được cải thiện do không xử lý được những tồn tại tài chính khi còn là DNNN. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không thể quyết toán để bàn giao tài chính sang công ty cổ phần và không thể bàn giao doanh nghiệp về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo qui định do không còn vốn nhà nước.
Một nguyên nhân nữa khiến quá trình CPH DNNN diễn ra chậm chạp, theo PGS.TS Nguyễn Đình Tài - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là do thời gian thực hiện CPH một doanh nghiệp còn khá dài. Kết quả khảo sát tại 934 doanh nghiệp cho thấy, thời gian CPH một doanh nghiệp bình quân mất 437 ngày và điển hình là thời gian CPH Ngân hàng Ngoại thương mất tới hơn 4 năm. Việc huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài trong quá trình CPH còn hạn chế nên vốn nhà nước còn chiếm tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ các doanh nghiệp CPH. Kết quả tổng hợp từ các doanh nghiệp CPH còn vốn Nhà nước vẫn chiếm tới 52% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Còn ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc Petrolimex thì cho rằng, dường như việc tổ chức thực hiện CPH chỉ mang tính phong trào. Quan trọng là phong trào này không đánh đúng trọng tâm cần thiết vì thế không phát huy được hiệu quả. CPH để doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, theo qui luật thị trường, nhưng Nhà nước lại chi phối, ấn định mức lương của những người quản lý trong các công ty đã CPH. “Thực tế này đã tạo rào cản cho chính sự phát triển của doanh nghiệp sau CPH” – ông Bảo nói.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, vẫn còn một tỷ lệ khá lớn doanh nghiệp sau CPH, nhất là ở những doanh nghiệp do nhà nước giữ cổ phần chi phối có ban quản lý, điều hành là những người quản lý của DNNN cũ vẫn áp dụng tư duy, phương pháp, cơ chế quản lý như DNNN nên có ít đổi mới trong quản trị công ty. Đồng thời, do phần lớn người lao động trong doanh nghiệp bị “bắt buộc” trở thành cổ đông nên thiếu hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của mình về tổ chức, quản trị công ty cổ phần nên chưa phát huy được quyền làm chủ hoặc lạm quyền gây khó khăn cho hoạt động quản lý, điều hành công ty.
Khung pháp lý còn lỏng lẻo
Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, hành lang pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, không qui định rõ DNNN được nắm giữ những lĩnh vực trọng yếu nào. Với cách thức không rõ ràng như vậy thì công việc chúng ta đang làm hiện nay chỉ đơn thuần là việc thay đổi tên cho doanh nghiệp.
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đình Tài cho rằng, một số qui định pháp luật về CPH chưa thật sát với thực tế hoặc chậm được cụ thể hoá hướng dẫn thi hành. Ông Nguyễn Đình Tài lấy ví dụ như: về các nội dung tính đủ giá trị đất nhất là việc tính giá đất thuê vào giá trị doanh nghiệp, xác định lợi thế về địa lý, giá trị thương hiệu, lựa chọn cổ đông chiến lược, minh bạch các thông tin về CPH… nên đã gây lúng túng phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, kéo dài thời gian CPH hoặc bị lợi dụng trong tổ chức thực hiện (trường hợp của Intimex).
Bên cạnh đó, các qui định, khung pháp lý về CPH lại thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp khó nắm bắt. Dẫn chứng cho thực tế này, PGS.TS Nguyễn Đình Tài nói: Từ năm 2002 đến nay qui định pháp luật về CPH được thay đổi 3 lần (Nghị định 64/2002/NĐ-CP, Nghị định 187/2004/NĐ-CP và Nghị định 109/2007/NĐ-CP) và các thông tư hướng dẫn thường ban hành chậm nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch CPH DNNN.
Từ kinh nghiệm CPH của doanh nghiệp mình, bà Lê Thị Hoa – thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, hiện tại địa vị pháp lý của các công ty cổ phần mà nhà nước giữ cổ phần chi phối rất “chung chiêng”. Khi cần kiểm soát thì các cơ quan quản lý coi họ là DNNN, khi xét hưởng ưu đãi của Nhà nước (nếu có) thì họ lại bị coi là công ty cổ phần. Bà Lê Thị Hoa cho rằng, nên thay đổi nhận thức không còn tồn tại DNNN nữa mà chỉ còn DN hoạt động theo Luật DN chung và chỉ bị chi phối bởi luật này thôi. Các cơ quan quản lý Nhà nước nên hạn chế đến mức thấp nhất việc can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào quá trình quản trị điều hành của doanh nghiệp. Thay vào đó, nên ban hành các qui định về người đại diện sở hữu vốn Nhà nước và thực hiện quyền của Nhà nước với doanh nghiệp thông qua những người này với tư cách một cổ đông bình đẳng như các cổ đông khác.
Chỉ giữ cổ phần ở những lĩnh vực trọng yếu
Theo PGS. TS Nguyễn Đình Tài, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau CPH, thời gian tới, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại các loại doanh nghiệp như: doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp công ích quan trọng; công ty mẹ của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động một trong những ngành, nghề liên quan đến an ninh quốc gia về kinh tế, quản lý, khai thác nguồn tài nguyên và khoáng sản quan trọng…
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đổi mới chính sách đầu tư tạo lập tài sản và quyền sở hữu, quản lý tài sản phục vụ mục tiêu cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích theo hướng: Nhà nước có trách nhiệm đầu tư tạo lập những tài sản cần đầu tư rất lớn mà các doanh nghiệp không có khả năng đầu tư hoặc không muốn đầu tư (hệ thống đập hồ, kênh mương thuỷ lợi liên vùng, hệ thống cấp thoát nước đô thị lớn, thông tin tín hiệu hàng hải…) để giao hoặc tổ chức đấu thầu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích.
Có không ít quan điểm cho rằng trong thời điểm hiện nay nếu CPH vội vàng có thể dẫn tới tình trạng “bán rẻ” tài sản nhà nước. Quan điểm này không hẳn là không có lý, theo bà Lê Thị Hoa (Vietcombank) thì mục tiêu CPH nên được nhìn nhận một cách tổng quan và dài hạn hơn. CPH là việc đương nhiên phải làm để tái cơ cấu DNNN nhằm đặt mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước. Chúng ta không nhất thiết phải CPH bằng mọi giá nhưng tiến trình này rất cần chú trọng để đẩy nhanh tiến độ đi kèm với bảo đảm chất lượng.