Kỳ 2: Xây dựng thương hiệu - Cách nào?

15:44, 16/10/2009

Thời gian gần đây, Thái Nguyên đã bắt đầu chú trọng đến xây dựng thương hiệu chè Thái bằng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, xuất xứ hàng hoá và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chè. Tuy nhiên, việc duy trì và phát huy tính pháp lý của thương hiệu đó chưa thực sự hiệu quả.  Vậy, làm thế nào để chè Thái có một thương hiệu tương xứng, có chỗ đứng thực sự trên thị trường trong và ngoài nước?  

 

Rất cần tính tự giác

           

Tính tự giác ở đây được áp dụng đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng. Từ trước đến nay, cả hai đối tượng này đều mang trong mình tính tự phát là chính, mạnh ai nấy làm, có lợi là làm, thấy tiếng thì dùng, dùng để biết... Người trồng chè chỉ biết làm sao có nhiều sản phẩm và bán được sản phẩm đó, còn người sử dụng chỉ biết dựa vào bao bì, nhãn mác mà không biết phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Bởi vậy, thương hiệu chè Thái Nguyên có thực sự đứng được trên thị trường hay không rất cần tính tự giác của cả người sản xuất và người tiêu dùng.

 

Ông Trần Nho Hưởng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho rằng: Tính tự giác của người trồng chè được phát huy mạnh mẽ khi họ được tham gia vào các làng nghề hoặc vùng sản xuất chè cụ thể. Bởi ở đó, họ sẽ tuân thủ các tiêu chí gần như bắt buộc về quy trình sản xuất chè để tạo ra chất lượng đồng đều, ổn định. Ở Phú Lương hiện có 5 làng nghề sản xuất chè với hàng nghìn hộ tham gia. Từ các làng nghề này, huyện sẽ phát triển rộng ra toàn địa bàn. Trong tương lai không xa, các vùng chè đặc sản của Phú Lương sẽ có chất lượng khá đồng đều có thể xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chè Phú Lương hoặc chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô… Ông Trần Xuân Hà, xóm Song Thái 3, xã Điềm Mặc (Định Hoá), gia đình có tới 2ha chè cho biết: Nếu cứ trông chờ, ỷ lại, nghĩ thế nào làm thế ấy thì 2 ha chứ 10ha chè chắc cũng không thể giàu lên được. Nghiệm từ gia đình tôi thì thấy, mình phải chủ động học hỏi, tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật sản xuất, thâm canh để có sản phẩm chè chất lượng. Hơn nữa, phải tích cực đầu tư trang bị máy móc làm chè.

 

Từ năm 2006, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "chè Thái Nguyên" cho tỉnh và Hội Nông dân được giao quản lý, phát triển nhãn hiệu này. Như vậy, bất kỳ một sản phẩm nào thể hiện tên gọi "chè Thái Nguyên" trên bao bì thì đều phải đăng ký sử dụng và gắn lô gô nhãn hiệu tập thể "chè Thái Nguyên". Ngay từ ban đầu đã có 497 tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, HTX đủ điều kiện đăng ký sử dụng nhãn hiệu này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới có 14 tập thể, cá nhân chính thức sử dụng nhãn hiệu (kèm theo lôgô) tập thể "chè Thái Nguyên". Hiện nay, trên địa bàn tỉnh và các địa bàn lân cận còn rất nhiều sản phẩm mang tên "chè Thái Nguyên" nhưng không đăng ký và thực hiện các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hoá đúng với quy định của Cục Sở hữu trí tuệ. Đây chính là tính thiếu tự giác của nhiều tập thể, cá nhân trong sản xuất và kinh doanh chè.

 

Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thì trước mắt cơ quan chủ quản là Hội Nông dân chỉ có thể phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường nhắc nhở các trường hợp vi phạm chứ chưa thể có hình thức xử lý vì thiếu chế tài. Được biết, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ quy định này bởi nghĩ sẽ tốn kém hoặc khó khăn trong các khâu đăng ký, làm thủ tục và cấp quyền sử dụng. Không ít trường hợp còn đứng ngoài cuộc vì chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân cũng như tính hiệu quả khi sản phẩm chè của đơn vị mình được gắn nhãn hiệu có bảo hộ. Tuy nhiên, theo bà Lê Việt Giang, Phó phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học-Công nghệ) thì quy trình thực hiện cực kỳ đơn giản, mất rất ít thời gian. Hơn nữa, tem nhãn hiện đang trong giai đoạn phát miễn phí…

 

Thương hiệu đi ra từ chất lượng

           

Quả thật, chất lượng luôn là yếu tố quyết định của mỗi thương hiệu. Chất lượng chè Thái Nguyên đã được khẳng định nhưng chỉ ở một vài vùng đặc sản như: Tân Cương, Trại Cài, La Bằng, Phúc Tân…, mà những vùng chè này chỉ chiếm khoảng 20% diện tích chè toàn tỉnh. Như vậy, chất lượng chè Thái chưa đồng đều nên việc xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm chè của cả tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn, không phải một chốc một lát làm được. Để có được chất lượng cho sản phẩm chè Thái, tỉnh đã chủ trương triển khai thực hiện theo hướng hợp sức của 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Tất cả phải được thực hiện theo tiêu chuẩn Việt Gap (sản xuất theo quy trình an toàn, chất lượng) do Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào sản xuất chè an toàn, đăng ký nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên và bán ra thị trường những sản phẩm chất lượng, uy tín góp phần quảng bá thương hiệu chè Thái. Đó là các sản phẩm chè Tân Cương - Hoàng Bình, chè Vạn Tài…Theo thông tin từ Công ty cổ phần Vạn Tài (đơn vị duy nhất của tỉnh sản xuất chè Ô long) thì giá chè búp tươi Công ty mua vào của dân cao gấp hai lần bà con tự chế biến bán ra thị trường. Sản phẩm chè của Vạn Tài có loại bán tới 1 triệu đồng/kg. Chè Tân Cương - Hoàng Bình cũng vậy, do đảm bảo về chất lượng nên hàng năm đơn vị này cũng xuất ra thị trường trong và ngoài nước hàng nghìn tấn chè. Giá bán của một số loại chè đặc sản của doanh nghiệp cũng có giá rất cao nhưng vẫn được các thị trường khó tính chấp nhận.

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Quan điểm của tỉnh xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn, cây làm giàu của địa phương, nên vấn đề chất lượng sản phẩm và thương hiệu chè Thái Nguyên thời gian gần đây được tỉnh đặc biệt quan tâm. Cùng với việc hỗ trợ đầu tư cho người nông dân trên mỗi héc ta chè, tỉnh sẽ chú trọng nhiều hơn nữa đến hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè. Đối tượng này là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hướng tới sản xuất tập trung cho ngành chè cả tỉnh. Chất lượng sản phẩm chè cũng phụ thuộc rất nhiều vào công tác quy hoạch vùng chè. Quy hoạch phải đảm bảo nhiều yếu tố: Quy hoạch theo từng loại giống ở từng vùng sao cho phù hợp với gu tiêu thụ của từng thị trường (Đài Loan thường dùng chè Ô long, các nước phương Tây dùng chè đen…). Ngoài ra, quy hoạch cũng nên đảm bảo cả về diện tích, vị trí địa lý, chất đất, môi trường. Trong quy hoạch cũng cần tính đến việc cách ly vùng chè với khu dân cư để tiến tới những vùng chè khép kín, đảm bảo quy trình kỹ thuật từ vườn ươm, cây giống đến chăm sóc.

 

Hướng tới "Sàn giao dịch chè"

 

Ngoài nhãn hiệu tập thể "chè Thái Nguyên", chúng ta có thêm 2 nhãn hiệu tập thể nữa đã được bảo hộ, một với chè La Bằng, một với chè Trại Cài và một chỉ dẫn địa lý đối với chè Tân Cương. Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục xây dựng và đề nghị cấp chứng nhận nhãn tập thể đối với chè Vô Tranh (Phú Lương) và chè Phúc Thuận (Phổ Yên). Đây là những chứng nhận quan trọng để chè Thái Nguyên có thể tham gia "Sàn giao dịch chè Việt Nam" sẽ chính thức ra mắt trong năm 2010 do Hiệp hội chè tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo Hiệp hội chè Việt Nam, sàn giao dịch sẽ là cơ hội quảng bá cho các sản phẩm và doanh nghiệp chè của các địa phương. Trên sàn giao dịch, người mua và người bán có thể thống nhất về giá cả một cách công khai để mua và bán đều đúng giá. Nhờ vậy, sẽ loại bỏ được các loại chè kém chất lượng có xuất xứ Việt Nam. Hiện nay, trên thị trường chè, tình trạng tranh mua, tranh bán khiến sản phẩm chè Việt Nam bị bán với giá thành thấp hơn thực tế. Bởi vậy, sàn giao dịch sẽ lựa chọn những sản phẩm chất lượng và đào thải những sản phẩm không đảm bảo. Đây có thể xem là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành chè Thái Nguyên, bởi để có đủ "thủ tục" tham gia sàn giao dịch, sản phẩm chè của chúng ta phải hội đủ 3 yếu tố quan trọng: số lượng, chất lượng ổn định và có thương hiệu. Về số lượng, chúng ta không quá lo lắng, nhưng về chất lượng và thương hiệu ổn định thì người làm chè Thái Nguyên còn phải phấn đấu ở mức cao độ mới có thể đạt được. Hiện nay các làng nghề sản xuất chế biến chè, các doanh nghiệp, HTX chè của tỉnh đang ra sức để có những sản phẩm chè chất lượng mang thương hiệu "chè Thái Nguyên" nhằm mục đích tham gia sàn giao dịch chè sắp tới.

 

Được biết, sắp tới Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên sẽ ra mắt thị trường sản phẩm chè mang nhãn hiệu "trà ATK" (nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký bảo hộ) đặc sản với vùng nguyên liệu chính là Tân Cương, La Bằng, sản xuất bằng dây chuyền công nghệ hiện đại. Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của một danh nghiệp góp phần tôn vinh thương hiệu chè Thái Nguyên. Nếu tất cả chúng ta cùng có ý thức chung tay, tin chắc thương hiệu chè Thái Nguyên sẽ ngày một lớn mạnh, có thể trụ vững được trên thị trường trong và ngoài nước.