Phát triển làng nghề ở Phú Lương

08:14, 21/10/2009

Phú Lương hiện có 273 xóm, bản với trên 104 nghìn người sinh sống, đời sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp như cấy lúa, trồng chè... Do tập quán sản xuất, đời sống sinh hoạt cũng như điều kiện về địa lý, tự nhiên, nhiều ngành nghề ở Phú Lương đã hình thành và phát triển, trong đó có 6 làng nghề có truyền thống từ trên 30 đến 40 năm.

 

Cụ thể là làng nghề trồng và chế biến chè ở các xóm: Thác Dài (Tức Tranh); Tân Bình, Bình Long và Toàn Thắng (Vô Tranh); làng nghề trồng, chế biến chè, vải ở xóm Liên Hồng 8 (Vô Tranh) và làng nghề làm bánh chưng xóm số 9 Bờ Đậu (Cổ Lũng). Các làng nghề này đã có lịch sử hình thành và phát triển trên 30 năm. Hiện nay, các làng nghề này có gần 800 hộ dân tham gia, giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 600 nghìn đến trên 1 triệu đồng/người/xóm.

 

Qua tìm hiểu thực tế tại làng nghề trồng và chế biến chè ở xóm Toàn Thắng, chúng tôi được biết: Làng có 42 ha chè kinh doanh, 15 ha chè xen canh, năng suất đạt 8,5tạ/ha/năm. Sản lượng chè chế biến của xóm luôn ổn định ở mức trên 80 tấn/năm, chất lượng đảm bảo là do người dân nơi đây đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc chè. Trong khâu chế biến, bà con đầu tư mua máy sao, sấy chè đồng bộ nên sản phẩm chè làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay tới đó. Cũng như xóm Toàn Thắng, người dân ở các làng nghề trồng và chế biến chè có truyền thống lâu đời ở Phú Lương đều có sự đầu tư thỏa đáng để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như quan tâm giữ vững thương hiệu chè do mình làm ra nên được thị trường chấp nhận.

 

Cùng với chè Tân Cương, sản phẩm chè ở Thác Dài của Tức Tranh; Tân Bình, Bình Long… của Vô Tranh không chỉ được người dân trong tỉnh biết đến mà các thương nhân ở tỉnh bạn như Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang… tìm mua. Riêng làng nghề làm bánh chưng ở xóm 9 Bờ Đậu, với  truyền thống 40 năm đã khẳng định được thương hiệu của riêng mình. 5 năm gần đây, mỗi năm làng nghề này làm và bán ra thị trường 500 đến 900 nghìn chiếc bánh chưng, doanh thu bình quân đạt từ 500 đến 650 triệu đồng. Nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình, các hộ dân làm bánh chưng ở đây đã làm thủ tục xin các cấp, ngành chức năng xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bánh chưng Bờ Đậu".

 

Theo anh Nghiêm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, những năm gần đây, được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, các làng nghề này đã đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế hằng năm của huyện. Trong đó, đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng của ngành công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp từ 20% trở lên, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề chiếm tỷ trọng 10%. Qua nhiều năm hình thành và phát triển, nhiều làng nghề đang thực sự có sự chuyển biến để phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, hướng dần đến sản xuất sản phẩm hàng hóa tinh, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cấp tỉnh, cấp quốc gia… Bởi vậy, chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh xem xét và tạo điều kiện hơn nữa cho các làng nghề này phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân địa phương và vùng lân cận…