Tạo chỗ đứng cho thương hiệu chè Thái

08:13, 16/10/2009

Từ lâu, danh tiếng chè Thái Nguyên đã được lưu truyền với câu nói nổi tiếng "chè Thái, gái Tuyên". Và ngày nay, trong thời kinh tế thị trường, cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm chè Thái đã có một thương hiệu chính thống, được Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, việc tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu chè Thái trên thị trường trong nước và xuất khẩu đang là vấn đề không nhỏ đặt ra với ngành sản xuất, chế biến chè của Thái Nguyên.

 

Kỳ 1: Chưa tương xứng cùng danh tiếng

           

Là vùng chè có tiếng nhất, nhì cả nước, nhưng thực tế người làm chè Thái Nguyên đang để mất lợi thế bởi tính chất sản xuất nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu trong khi một lượng lớn sản phẩm chè vẫn trôi nổi trong dân.

 

Sản xuất nhỏ lẻ, thả nổi

 

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có dịp thực tế ở một số vùng chè nổi tiếng của tỉnh và thấy rằng người làm chè chủ yếu vẫn sản xuất và tiêu thụ nhỏ lẻ, giá bán rất bấp bênh. Đặt chân tới vùng chè Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) đúng vào đợt bà con đang thu hái lứa chè thứ 5 trong năm, chúng tôi thấy hiện ra trước mắt là cả một vùng chè xanh ngút ngàn với những búp non mơn mởn chạy dài theo các sườn dốc. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về một vùng chè tập trung, ở đây mặc dù mỗi hộ dân đều sở hữu một diện tích chè khá lớn, nhưng lại bị xé lẻ, phân tán ở từng ô, thửa cách xa nhau. Các giống chè đủ loại từ trung du, chè cành đến chè nhập nội được trồng lẫn lộn. Trò chuyện với chúng tôi ngay tại nương chè nhà mình, ông Trần Đình Thượng, xóm Khe Cốc cho biết: Gia đình tôi có khoảng 1ha chè, trong đó có gần 0,2ha chè giống mới loại TRI 777, nhưng được chia làm 4 khoảnh, ở những vị trí khác nhau. Bởi thế, việc chăm sóc, thu hái rất bất tiện, tốn thời gian và công đi lại, vận chuyển. Ông Thượng cũng cho biết thêm: Mấy chục năm làm chè đến nay, gia đình đều tự sao và tự bán ở thị trường tự do (mỗi lứa khoảng 2 tạ chè búp khô), nên giá cả thường bấp bênh, nhiều khi bị tư thương ép giá cũng đành ngậm ngùi vì không muốn để hàng tồn.

           

Tại vùng chè Thác Dài, xã Tức Tranh - nơi mới được công nhận Làng nghề sản xuất, chế biến chè đặc sản của tỉnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Nang. Gia đình ông có gần 1ha chè thì đều là chè đặc sản, nhưng diện tích cũng phân tán nhỏ lẻ theo từng khoảnh. Ông tâm sự: Từ trước đến nay người dân trong xóm chỉ biết nhà nào nhà nấy làm, tự học, tự mày mò. Người có kinh nghiệm, bí quyết làm được chè ngon thì bán với giá cao, còn lại đều mang ra chợ bán chè mộc, chè nguyên liệu giá rẻ. Bởi vậy, việc tạo thành mối liên kết cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè ở Thác Dài bấy lâu nay vẫn chưa thực hiện được.

 

Hiện nay, ở một số tỉnh lân cận với chúng ta, số cơ sở kinh doanh chè Thái Nguyên phát triển tới hàng nghìn, nhưng thật khó xác định đâu là chè Thái Nguyên thật, chè Thái Nguyên giả. Người kinh doanh cứ dựa vào danh tiếng chè Thái để thả sức kiếm lời mà không lo bị cơ quan chức năng "sờ gáy". Ông Phạm Quốc Việt, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Cương cho hay: Tân Cương là vùng chè nổi tiếng hàng trăm năm nay nên tiếng thơm đó thường bị các tư thương lợi dụng. Chúng tôi thấy, nhiều sản phẩm chè ghi nguồn gốc xuất xứ tại Tân Cương nhưng không phải của vùng chè Tân Cương đang trôi nổi tự do trên thị trường mà người tiêu dùng không hay biết. Vì chưa có chế tài cụ thể nên việc xử lý rất khó. Chúng tôi rất lo, cứ kéo dài tình trạng này thì tên tuổi chè Tân Cương sẽ dần bị mai một. Ông Tạ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cũng bức xúc không kém: Chè Khe Cốc, Thác Dài của chúng tôi nhiều khi cũng bị các tư thương mua lại, đóng gói với các nhãn mác: Trại Cài, La Bằng hoặc Tân Cương như thường. Có lẽ họ làm thế để nâng giá chè vì những địa danh trên đều đã rất nổi tiếng và ngấm sâu vào tiềm thức người tiêu dùng rồi. Chúng tôi biết, sản phẩm chè Tức Tranh đang trôi nổi trên thị trường với các loại giá…trên trời, nhưng cũng đành phải chấp nhận.

 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì Thái Nguyên có diện tích, sản lượng chè đứng thứ hai cả nước, nhưng cũng là một trong những địa phương đứng đầu về sản xuất nhỏ, theo tính chất hộ cá thể. Sản phẩm chè chủ yếu được chế biến thủ công tại các gia đình…

 

"Đói nguyên liệu" ngay trên vùng nguyên liệu

 

Xu thế phát triển chung của ngành chè hiện nay là tăng sản lượng chế biến công nghiệp, tức là phải tăng cường đầu tư nhà máy sản xuất với các dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng. Thực tế, Thái Nguyên hiện nay có 29 nhà máy chế biến chè, tập trung nhiều nhất ở Đại Từ, Định Hoá, Phú Lương, Đồng Hỷ, Phổ Yên. Trong đó, chỉ có 6 nhà máy trực tiếp thu mua chè búp tươi về chế biến, còn lại thu mua chè nguyên liệu thô về tinh chế. Đánh giá của các địa phương cho thấy, thời gian qua tỷ lệ nhà máy "ăn nên làm ra" rất ít, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa vì "đói nguyên liệu". Câu hỏi được đặt ra là tại sao các nhà máy này đang sống trên vùng nguyên liệu mà khan hiếm đầu vào đến vậy? Câu trả lời rất dễ hiểu là giá chè bán trong dân cao hơn bán cho nhà máy và thực tế toàn bộ số nhà máy đang tồn tại không có vùng nguyên liệu riêng.

 

Huyện Đại Từ hiện có tới 8 nhà máy chế biến chè trên địa bàn thì có tới 6 nhà máy ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Đa phần người nông dân, nhất là người dân vùng chè đặc sản không bán chè nguyên liệu cho nhà máy vì giá quá thấp, có khi chỉ bằng 1/3 giá bán bên ngoài. Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Các doanh nghiệp chế biến chè chưa có sự gắn kết mật thiết "cùng hưởng, cùng chịu" với nông dân, ngược lại nhiều lúc còn ép cấp, ép giá chè nguyên liệu của bà con. Điều đáng quan tâm là hầu hết các nhà máy chế biến chè chưa có hợp đồng chặt chẽ với nông dân và cũng chưa doanh nghiệp nào cam kết bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con.

 

Tại Phú Lương, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự. Nhà máy chè Tức Tranh - từng là một trong những nhà máy chế biến chè lớn nhất tỉnh cũng đã phải dừng sản xuất từ mấy năm nay vì không có nguyên liệu đầu vào. Cơ sở sản xuất chè với nhãn hiệu "Thanh Thanh trà", xã Vô Tranh mấy năm trước được biết đến trên thị trường giờ cũng dần "im hơi, lặng tiếng". Còn Nhà máy chè Phúc Long, xã Tức Tranh mới được Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phúc Long đầu tư trên 20 tỷ đồng, công suất 15 tấn/ngày cũng đang trong giai đoạn khan hiếm nguyên liệu. Qua đây, cũng cần nhìn nhận một cách sòng phẳng là trình độ cũng như sự am hiểu trong đầu tư của nhiều doanh nghiệp chế biến chè còn non kém. Việc định hướng và cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp làm chè cũng thiếu tính thực tiễn, gây lãng phí đầu tư. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất chè nhưng không tính đến việc xây dựng vùng nguyên liệu hoặc chỉ biết có lợi cho doanh nghiệp mà không nghĩ đến lợi ích và sự gắn bó lâu dài của người nông dân.

 

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT mới đây cho thấy, sản lượng chè búp tươi của tỉnh đạt khoảng 140 nghìn tấn/năm, tương đương với khoảng 30 nghìn tấn chè búp khô. Trong đó, sản lượng chè chế biến công nghiệp (thông qua các nhà máy) chỉ đạt từ 20-25% tổng sản lượng. Số còn lại chủ yếu được sơ chế hoặc chế biến trong dân. Năm 2008, sản lượng chè chế biến công nghiệp của tỉnh đạt trên 6 nghìn tấn, bằng 21% tổng sản lượng. Đây được xem là nhược điểm không nhỏ trong khâu chế biến chè của tỉnh, dẫn đến chất lượng sản phẩm chè không đồng đều, thiếu ổn định.

 

Thiếu quy hoạch vùng chè

 

Một điều đáng ngạc nhiên là một tỉnh có diện tích chè xấp xỉ 17 nghìn héc ta, trong đó có trên 15 nghìn héc ta chè kinh doanh nhưng chúng ta lại chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết vùng chè nguyên liệu. Bởi thế, từ trước đến nay, việc phát triển cây chè chủ yếu tùy thuộc vào chiến lược, chính sách của từng địa phương, nhiều khi là của một xã, xóm hay một nhóm hộ trồng chè. Nếu hỏi ngành chuyên môn của tỉnh về từng vùng chè cụ thể, chắc chắn sẽ rất khó có câu trả lời chính xác, có chăng chỉ là phân định được vùng sản xuất chè xanh và vùng sản xuất chè đen. Cụ thể, vùng sản xuất chè xanh tập trung ở T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công, các huyện Phổ Yên, Phú Lương và một phần của huyện Đại Từ và Đồng Hỷ; vùng sản xuất chè đen tập trung ở huyện Định Hóa, một phần huyện Phú Lương, Đại Từ và Đồng Hỷ.

 

Tình trạng mỗi hộ cá thể trồng tới vài giống chè khác nhau, phân tán theo từng khoảnh, lô nhỏ lẻ hiện đang rất phổ biến, nên Thái Nguyên chưa thể có một vùng nguyên liệu chè tập trung. Chính vì thế mà các nhà máy chế biến chè càng gặp khó khăn trong định hướng đầu tư dây chuyền công nghệ theo từng chủng loại, sở trường. Tại sao chúng ta chưa thể có quy hoạch vùng chè? Phải chăng việc quy hoạch tốn nhiều thời gian, tiền của và quá phức tạp? Điều chúng tôi băn khoăn đã được ông Vũ Anh Tú, Phòng Tài nguyên đất - Môi trường (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT) giải đáp: Thủ tục quy hoạch vùng chè không phức tạp chút nào, thời gian quy hoạch chỉ sau khoảng một năm là hoàn tất và kinh phí khoảng mấy trăm triệu đồng…