Tốc độ tăng trưởng sản xuất TTCN, làng nghề đạt bình quân 19%/năm

14:38, 08/10/2009

Theo số liệu thống kê của các huyện, thành, thị, đến tháng 9 năm 2009, trên địa bàn Thái Nguyên đã có 13.359 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề (TTCN, LN).

 

Trong đó, khối doanh nghiệp có 91 cơ sở; khối hợp tác xã có 40 cơ sở; khối hộ gia đình có 13.107 cơ sở; khối làng nghề có 121 cơ sở. Số cơ sở sản xuất TTCN, LN phát triển với tốc độ ngày càng tăng (từ năm 2002 đến năm 2009, tốc độ gia tăng khoảng 6,45%). Các nhóm ngành nghề phát triển mạnh ở nông thôn trong những năm qua gồm có nhóm nghề chế biến, bảo quản nông lâm, thủy sản (chủ yếu là mặt hàng chè; chế biến các sản phẩm từ lúa, gạo, đậu, ngô, sắn). Nhóm chế biến và bảo quản rau quả (gồm chế biến rau tươi, bảo quản hoa quả tươi); ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng; các mặt hàng gỗ gia dụng (chủ yếu ở Phổ Yên, Phú Bình); sản xuất mặt hàng dệt may, da giày, hàng tiêu dùng (phục vụ nhu cầu tại chỗ ở các địa bàn); sản xuất mây tre đan (chủ yếu ở Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai).

 

Nhìn chung, hoạt động của các nhóm ngành nghề trên phát triển khá nhanh, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn (trong giai đoạn 2001-2009, đạt tốc độ tăng bình quân 19%/năm) và làm cho kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động trong nông nghiệp.. Bên cạnh đó, tạo việc làm, thu nhập cho một lực lượng lớn lao động nông thôn thiếu việc làm lúc "nông nhàn". Chỉ tính từ năm 2000, mới thu hút 13.943 lao động; năm 2009 đã thu hút 57.838 lao động vào các cơ sở TTCN, LN làm việc).

 

Bên cạnh đó, góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất TTCN, LN từ 128.060 triệu đồng (năm 2001) lên 431.890 triệu đồng (ước đạt năm 2009). Các ngành nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân như: sản phẩm chế biến nông, lâm sản, may mặc, cơ khí nhỏ, vật liệu xây dựng. Một số sản phẩm của tỉnh đã và đang trở thành hàng hóa nổi tiếng trong, ngoài nước và xuất khẩu như chè, đồ gỗ gia dụng. Ngoài ra, các ngành nghề trên còn góp phần tiêu thụ phần lớn nguyên liệu tại các địa phương như lúa, ngô, đậu tương, rau quả…Lượng vốn đầu tư của các cơ sở TTCN, LN cũng tăng khá nhanh, từ 63.385 triệu đồng (năm 2000) lên 1.912.149 triệu đồng (năm 2009).