Trong khó khăn vẫn làm ăn có lãi

10:10, 19/10/2009

Trong khi ngành chăn nuôi đang lâm vào tình trạng khó khăn bởi giá thức ăn tăng cao thì trang trại lợn của ông Nguyễn Ngọc Hùng, xóm Ngân, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) vẫn đang trên đà phát triển. Hiện ông đang xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để mở rộng quy mô lên trên 3.000 đầu lợn các loại…

 

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở mới đang hoàn thiện, ông Hùng cho biết: Dự kiến cơ sở này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12 năm 2009, nâng quy mô từ trên 1.700 đầu lợn lên khoảng 3.500 con các loại. Cơ sở này có diện tích 3ha với hệ thống xử lý nước thải gồm: 1 bể lắng, 1 bể lọc có dung lượng 30 khối, 1 hầm bioga có dung lượng 50 khối, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Giải đáp thắc mắc của chúng tôi tại sao trong khi ngành chăn nuôi liên tục gặp khó khăn mà ông lại quyết định mở rộng thêm quy mô, ông Hùng cho biết thêm: Năm 2008, giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng cao, ngành chăn nuôi lâm vào khó khăn, nhiều hộ không duy trì được quy mô, thậm chí có trang trại phá sản. Trong hoàn cảnh đó, tôi đã tìm cách cắt giảm các chi phí không cần thiết. Bằng cách, cái gì tự túc được thì tự túc, tôi cho công nhân trồng rau, thả gà, nuôi cá để phục vụ sinh hoạt. Với diện tích hơn 1 sào đất vườn, tôi cho trồng các loại rau, mùa nào thức nấy đủ cung cấp rau ăn cho toàn bộ công nhân. Sẵn có ao, vườn rộng, tôi thả khoảng 3 tạ cá, gần 100 con gà, mỗi năm thu được trên 10 tạ cá và gần 2 tạ gà để thay đổi thực đơn bữa ăn. Nhờ tự túc được chi phí trong sinh hoạt, năm 2008, trang trại đã tiết kiệm được trên 50 triệu đồng.

 

Những khó khăn về đầu vào chưa kịp ổn định thì năm 2009, các hộ chăn nuôi lại một lần nữa lao đao bởi giá đầu ra giảm. Khoảng tháng 6 năm 2009, giá thịt lợn hơi ở mức 24-25 nghìn đồng/kg, thì đến nay đã giảm xuống còn khoảng 20 nghìn đồng/kg mà còn rất khó bán. Để giữ thị trường, ông Hùng luôn quan tâm đến chất lượng thịt. Theo ông thì: Những con lợn khỏe mạnh là yếu tốt quyết định về chất lượng thịt. Từ suy nghĩ đó, công tác phòng dịch thú y vốn đã được quan tâm nay, lại càng được ông đặt lên hàng đầu. Hằng tháng, ông thực hiện tiêm định kỳ cho lợn, riêng đối với lợn nái thì tiêm mỗi năm 2 lần, đặc biệt trước khi phối giống cần tiêm thuốc chống khô thai và giả dại nhằm tăng sức đề kháng cho lợn mẹ để truyền cho con. Đối với lợn con, sau khi sinh thực hiện tiêm phòng dịch tả và lở mồm long móng. Do thực hiện tốt công tác phòng dịch, nên trong suốt quá trình chăn nuôi, trang trại của ông chưa từng xảy ra dịch bệnh. Nhờ đó mà chất lượng thịt của trang trại tốt, được khách hàng chấp nhận.

 

Một yếu tố nữa để đạt được chất lượng thịt như trên là nguồn nước chăn lợn phải đảm bảo sạch, không ô nhiễm. Để có được nguồn nước sạch, ngoài việc luôn giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, ông còn xây dựng hệ thống xử lý nước thải bao gồm: 1 bể lắng, 1 bể lọc, 1 hầm bioga có dung lượng 50 khối, hệ thống rãnh thoát nước dẫn xuống ao, không đổ ra đồng ruộng xung quanh. Về điểm này, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Trang trại của ông Hùng nằm ngay đầu xóm Ngân, xung quanh là cánh đồng lúa của gần 10 hộ dân trong xóm. Do thực hiện tốt công tác xử lý chất thải nên diện tích ruộng cấy lúa không những không bị ảnh hưởng mà còn tiết kiệm thêm chi phí cho nông dân bởi họ thường xuyên đến trang trại xin phân bón ruộng…

 

Với cách giải quyết khó khăn như trên, trang trại của ông luôn phát triển. Hiện, trang trại lợn của ông có 180 con lợn nái và 1.500 lợn thịt các loại. Năm 2008, trang trại xuất khoảng 3.000 con, bằng 255.000kg thịt, thu 6,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 công nhân với mức lương bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng.

 

Hy vọng, với quy mô lớn và chất lượng thịt ngày một được nâng lên, trang trại lợn của ông Hùng sẽ được các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của các nước WTO tìm đến đặt hàng.