Vốn cho doanh nghiệp cuối năm sẽ khó khăn?

16:19, 05/10/2009

Hiện nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã "cân đối" lại khách hàng để quyết định đầu tư cho vay phù hợp. Tuy nhiên, những tháng cuối năm lại là lúc các doanh nghiệp đang rất cần vốn để SXKD. Đây là bài toán đòi hỏi các ngân hàng cũng phải có lời giải để tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

 

Do tác động của suy giảm kinh tế nên bước vào năm 2009, Chính phủ  xác định hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các tổ chức, cá nhân sẽ còn tiếp tục khó khăn. Để tháo gỡ tình trạng này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 30 đề ra những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Theo đó là một loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp, trong đó, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất 4%/năm để ổn định và duy trì sản xuất là giải pháp quan trọng được thực hiện suốt từ đầu năm đến nay.

 

Cùng với các ngân hàng trên cả nước, các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai các chính sách HTLS  tới các doanh nghiệp. Cho đến hết tháng 31/8, các ngân hàng đã thực hiện dư nợ cho vay HTLS  trên 5 nghìn  tỷ đồng với  25.516 khách hàng được vay vốn HTLS. Với sự "tiếp sức" kịp thời về vốn với lãi suất thấp nên hoạt động SXKD của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong một cuộc họp mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng xem xét lại mức độ tăng trưởng tín dụng hợp lý và cần duy trì ở mức 25 đến 27% để đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững và chống lạm phát. Với chủ trương trên, các ngân hàng trên địa bàn đã "cân đối" lại khách hàng để quyết định đầu tư cho vay phù hợp. Tuy nhiên, những tháng cuối năm lại là lúc các doanh nghiệp đang rất cần vốn để SXKD. Đây là bài toán đòi hỏi các ngân hàng cũng phải có lời giải để tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

           

Làm việc với anh Trần Anh Sơn, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1, anh tâm sự: Về phía doanh nghiệp, càng cuối năm, nhu cầu vốn sẽ càng lớn. Đối với Công ty- là đơn vị chuyên sản xuất hàng xuất khẩu (chiếm tới 80% số lượng mặt hàng), các nguyên liệu để sản xuất cũng đa phần là nhập khẩu. Từ tháng 10-2009, Công ty phải "tăng tốc" sản xuất để đảm bảo giao hàng đúng tiến độ theo các đơn hàng đã ký. Bên cạnh đó, Công ty cũng rất cần một lượng vốn lớn để mua nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất cho năm sau. Nắm bắt được nhu cầu này, NHCT, Chi nhánh Sông Công đã tăng hạn mức tín dụng từ 30 tỷ lên 60 tỷ đồng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua hàng dự trữ. Tuy nhiên, mong muốn của doanh nghiệp là rất cần Nhà nước duy trì HTLS cho những doanh nghiệp sản xuất, nhất là sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp để góp phần giảm giá thành cho bà con nông dân.

 

Anh Sơn cũng cho biết thêm: Do Công ty là khách hàng truyền thống của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (viết tắt là NHCTVN), Chi nhánh Sông Công, nên dù có khó khăn, Ngân hàng vẫn tạo điều kiện tối đa để đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, nên Công ty cũng bớt lo lắng. Tuy nhiên, đây là những khách hàng làm ăn có hiệu quả, có khả năng tài chính, quan hệ lâu năm với Ngân hàng thì việc đáp ứng vốn của các Ngân hàng là thuận lợi. Trong khi dư nợ của các ngân hàng đã đạt chỉ tiêu hoặc vượt tốc độ tăng trưởng tín dụng cho phép thì sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi tiếp cận với vốn ngân hàng. Qua trao đổi với một số giám đốc ngân hàng đã khẳng định rõ điều này.  

 

Ông Nguyễn Như Lâm, Giám đốc NHCTVN, Chi nhánh Sông Công cho biết: Hết tháng 9-2009, Chi nhánh đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với tổng dư nợ 613 tỷ 132 triệu đồng, bằng 107% kế hoạch, đạt tốc độ tăng trưởng 26%. Đặc điểm của địa bàn Sông Công là huy động vốn rất khó khăn, Chi nhánh chỉ huy động tại chỗ được 74,5%, còn lại là vốn điều hòa từ T.W (chiếm 25,5%) nên Chi nhánh không làm chủ được nguồn vốn để đáp ứng cho doanh nghiệp. Để đáp ứng nguồn vốn cho doanh nghiệp vay trong khi chỉ tiêu tín dụng của Chi nhánh đã hoàn thành, Ngân hàng cũng không thể nhận vốn điều hòa từ T.W do hiệu quả thấp (lãi suất đầu vào liên tục tăng, có lúc huy động cao nhất là 9%/năm, trong khi lãi suất đầu ra lại khống chế ở mức 7%/năm, chưa kể trích quỹ dự phòng, cho vay ra chỉ 10,5%/năm). Vì thế, từ tháng 10/2009, Ngân hàng cũng phải tính toán khi cho vay. Chỉ thực hiện cho vay đối với các doanh nghiệp có quan hệ với ngân hàng từ nhiều năm nay, có hiệu quả kinh tế rõ ràng. Còn những khách hàng mới, hiệu quả kinh tế không rõ ràng sẽ rất hạn chế.

 

Để có nguồn vốn cho các doanh nghiệp vay, Chi nhánh sẽ quan tâm đến công tác chăm sóc khách hàng; tiếp thị khuyến mại để huy động vốn từ kênh các đơn vị hành chính sự nghiệp gửi tiền vào ngân hàng và chuyển lương qua tài khoản". Đối với NHCTVN, Chi nhánh Lưu Xá, anh Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Chi nhánh cho biết: Đến thời điểm này, Ngân hàng cũng đã đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng dư nợ so với đầu năm đề ra, nên từ nay đến cuối năm, việc cho vay đối với các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Ngân hàng sẽ chỉ đáp ứng vốn cho các khách hàng truyền thống và những khách hàng đã ký cam kết đáp ứng vốn; còn khách hàng mới sẽ phải xem xét.

 

Đối với NHCTVN, Chi nhánh Thái Nguyên, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Chi nhánh cho biết: Ngân hàng đã đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng so với đầu năm là 41% nên việc đáp ứng cho doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn. Để có vốn cho doanh nghiệp vay, các Ngân hàng này cùng đưa ra giải pháp tích cực là: tiếp tục huy động vốn trong và ngoài tỉnh; tăng cường thu hồi nợ khó đòi và nợ quá hạn để đáp ứng cho các doanh nghiệp sản xuất, có năng lực tài chính, có mặt hàng bảo đảm.

 

Như vậy, qua nắm tình hình chung thì đến thời điểm này hầu hết các ngân hàng đều đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ đã đến "ngưỡng" hoặc vượt quy định cho phép. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho doanh nghiệp đang rất cần vào cuối năm. Vì vậy, đòi hỏi, mỗi ngân hàng lại phải có một giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần năng động trong việc huy động vốn để chủ động hoạt động SXKD của đơn vị mình.