Áp lực thu hút vốn của các ngân hàng đang tăng cao, nhất là trước nhu cầu đáo hạn các khoản tiền gửi thường tập trung vào những tháng cuối năm.
Việc tăng cường thu hút vốn còn để phục vụ nhu cầu vốn gối đầu cho quý I năm sau. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 10/2009, mặt bằng lãi suất huy động VND tăng nhẹ từ 0,1-0,3%/năm, hiện đang phổ biến ở mức 8,0-10%/năm.
Tuy nhiên, ở thời điểm cuối tháng 10/2009, lãi suất huy động VND ở một số các ngân hàng thương mại đã tăng, tập trung ở các kỳ hạn ngắn. Các ngân hàng thương mại cổ phần như Đông Nam Á (SeABank), Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Phương Đông (OCB)… đã tăng ở hầu hết các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng lên mức cao, khá đồng đều và sát với các kỳ hạn dài.
Ngoài việc tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã sử dụng các công cụ huy động là kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi.
Như vậy, so với tháng 9/2009, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại ở cuối tháng 10 và đầu tháng 11 đã tăng cao chênh lệch từ 0,2-0,6%/năm. Sau đợt điều chỉnh trực tiếp, kết hợp với việc huy động thông qua các công cụ khác thì chênh lệch lãi suất huy động và cho vay chỉ còn khoảng 0,5% - 0,6%.
Thực tế cho thấy, mặc dù lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đều đã tăng gần hết biên độ cho phép, nhưng lượng vốn ở các ngân hàng tăng không đáng kể. Hiện nay, ở một số ngân hàng, trong cơ cấu tiền gửi, tỷ lệ gửi tiền không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn luôn được người gửi sử dụng nhiều hơn kỳ hạn dài. Do đó, các ngân hàng thương mại buộc phải dự trữ thanh toán lớn hơn, hoặc cho vay ra ít hơn để đảm bảo cân đối nguồn tiền vào- ra.
Chuyên gia tài chính- ngân hàng Doãn Hữu Tuệ cho rằng, chính việc huy động vốn không dễ dàng nên khả năng tăng trưởng tín dụng cao như đầu năm của các ngân hàng thương mại là khó diễn ra. Tính đến hết 9 tháng, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 29,3%, dự kiến cả năm có thể vượt quá 30%. Theo ông Tuệ, với hạn mức này ở thời điểm hiện nay là không lớn, tương đối phù hợp giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ngăn ngừa tái diễn lạm phát./.