Để nâng cao năng suất lúa Định Hóa

08:54, 22/11/2009

Khi nhìn vào tỷ lệ so sánh năng suất lúa 10 năm trở lại đây của huyện Định Hóa chắc chắn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên: Tại sao không có sự biến chuyển đáng kể nào theo chiều hướng tăng dần năng suất? Vậy, nguyên nhân nào khiến năng suất lúa của một huyện có tới 8.000ha lúa chỉ dao động từ 46 đến 48 tạ/ha?

 

10 năm trước (1999), năng suất lúa bình quân của huyện Định Hóa là 46 tạ/ha. 10 năm sau, năm 2009 năng suất lúa bình quân của huyện chỉ đạt 48 tạ/ha. Bởi vậy, với diện tích gieo cấy cả năm là 8.000ha lúa, nhưng sản lượng thóc của huyện chỉ đạt từ 39 nghìn đến 44 nghìn tấn. Điều đáng nói là trong 10 năm vừa qua, huyện cũng đã triển khai nhiều dự án, chương trình cải tạo giống lúa cũ, nhân rộng các giống lúa mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh tăng năng suất cây trồng. Là địa phương sở hữu loại gạo đặc sản Bao thai được nhiều người ưa chuộng, nhưng diện tích giống lúa này cũng chỉ chiếm khoảng 1.800ha (cấy ở vụ mùa) và năng suất chỉ đạt 48 tạ/ha. Các giống lúa chủ yếu được bà con nông dân trong huyện gieo cấy là Khang dân, đang trong giai đoạn thoái hóa nên năng suất thấp. Được biết, đã từ lâu nhiều địa phương không còn sử dụng giống lúa Khang dân để gieo cấy nữa, nhưng ở Định Hóa, Khang dân hiện vẫn chiếm chủ đạo với khoảng 60% diện tích, năng suất đạt khoảng 49 tạ/ha.

 

Bảo Cường là một trong những xã có diện tích gieo cấy lúa cao nhất huyện với khoảng 400ha. Đã nhiều năm nay, người nông dân trong xã chỉ sử dụng các giống lúa thuần, năng suất thấp. Thời gian gần đây, xã cũng đã mạnh dạn đưa một số giống mới vào sản xuất như: Việt lai 20, TH3-3 nhưng do trình độ canh tác chưa phù hợp nên năng suất lúa chỉ đạt trên 50 tạ/ha, trong khi năng suất tối đa của các giống lúa này là 60 tạ/ha. Theo ông Lèng Ngọc Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Cường thì do điều kiện cũng như trình độ canh tác, đầu tư chăm sóc của đại đa số nông dân còn hạn chế, không đồng đều, hơn nữa, điều kiện thổ nhưỡng, thuỷ lợi của địa phương còn khó khăn và mang tính đặc thù, nên năng suất lúa hàng năm không cao. Hơn nữa, tư duy của người dân cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tính tự sản, tự tiêu nên chưa quan tâm đến sản xuất lúa hàng hóa. Cũng như Bảo Cường, các xã: Thanh Định, Lam Vỹ, Quy Kỳ… có diện tích gieo cấy lúa khá lớn (từ 350 đến 400ha). Cuộc sống của người dân trong xã chủ yếu trông vào sản xuất lúa và một số cây trồng khác. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay năng suất lúa của các xã này không mấy được cải thiện. Có nhiều lý do được đưa ra, trong đó tập trung ở một số điểm như: Trình độ canh tác của người dân còn thấp; giá các loại giống lúa mới cũng như vật tư, phân bón tăng cao; thủy lợi phục vụ tưới tiêu khó khăn. Ông Hoàng Quang Vinh, nông dân xã Quy Kỳ cho biết: Nhà tôi có 3 sào lúa chủ yếu cấy hai giống Khang dân và bao thai đặc sản. Do toàn bộ diện tích cấy lúa phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nên năng suất thường đạt rất thấp. Mấy năm nay năng suất còn có chiều hướng tụt đi bởi các giống lúa của gia đình đã bắt đầu thoái hóa, tỷ lệ thóc lép tăng lên.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lường Văn Vượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa thừa nhận: Đúng là năng suất lúa của huyện hàng chục năm nay tăng không đáng kể. Mặc dù huyện đã bắt đầu đưa các giống lúa lai, năng suất cao vào nhưng tỷ lệ còn rất thấp, mới chiếm khoảng 500ha. Bởi thế, việc cải thiện năng suất lúa toàn huyện còn rất lan giải. Cũng theo ông Vượng, các loại giống lúa cao sản như: Sin 6, HIT 100 năng suất khoảng 70 tạ/ha rất phù hợp theo từng thời vụ cụ thể của Định Hóa nhưng chưa thể đưa vào gieo trồng được bởi giá giống quá chênh lệch, trình độ đầu tư kỹ thuật đòi hỏi cao, trong khi trình độ người nông dân địa phương chưa thể đáp ứng. Đối với giống Việt Lai 20, vừa qua huyện đã mua với giá 31.500 đồng/kg (đã có trợ giá), TH3-3 là 27.500 đồng/kg, Bồi tạp 49, Bồi thạp Sơn Thanh là 34.500 đồng/kg. Bà con nông dân cho rằng, với các giống lúa thuần chỉ có giá 16 nghìn đồng/kg, lại có thể tự túc được giống nên thường từ chối sử dụng các giống lúa mới. Ngoài ra, giá một số mặt hàng vật tư như đạm, kali tăng cao (khoảng 16-17nghìn đồng/kg) cũng khiến nhiều nông dân trong huyện cắt giảm lượng phân bón chăm sóc cho cây lúa. Hơn thế, nếu là các giống lúa mới tỷ lệ bón phân sẽ tốn hơn nhiều so với lúa thuần. Nếu lúa thuần khoảng 6kg phân bón/sào thì lúa cao sản là 10kg/sào.

 

Hiện nay, toàn huyện có 120km kênh mương được kiên cố trên tổng số 300km kênh mương toàn huyện. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều đoạn kênh quanh năm không có nước bởi chủ yếu phụ thuộc nước mưa. Các xã khó khăn nhất về nước tưới hiện tại là Điềm Mặc, Bình Thành, Bình Yên…vì không sở hữu hồ chứa nước nào. Toàn huyện hiện có khoảng 1.000h lúa chỉ có thể cấy được một vụ và khoảng 2.000ha lúa không chủ động nước tưới.

 

Để cải thiện năng suất, sản lượng lương thực trên địa bàn, huyện Định Hóa đã và đang thực hiện các giải pháp như: Quy hoạch vùng sản xuất lúa bao thai với diện tích khoảng 1.800ha tập trung tại 16 xã trong huyện. Tích cực đầu tư thâm canh, chọn nhân giống đúng kỹ thuật, phấn đấu tăng năng suất lúa bao thai từ 49 tạ/ha lên 50 tạ/ha vào năm 2010. Cùng với đó, huyện cử cán bộ nông nghiệp giúp bà con nông dân thực hiện tốt chế độ canh tác. Cụ thể, áp dụng phương pháp điều tiết nước hợp lý ở các giai đoạn, thời điểm nhất định nhằm giúp cho bộ rễ của lúa cắm sâu xuống chân ruộng, chống đổ cây. Trước đây, khi mới cấy bà con đã giữ nước ngập thân cây đến tận khi lúa vào đòng, nên thân mềm, rễ không cắm sâu và thường bị đổ rạp. Ngoài ra, còn hướng dẫn bà con kết hợp bón phân cân đối, hợp lý theo yêu cầu của từng loại giống lúa. Vụ xuân tới, huyện sẽ tạo điều kiện khuyến khích bà con nông dân tăng diện tích lúa lai, nhằm tăng năng suất, sản lượng để bù cho vụ mùa tập trung gieo trồng lúa bao thai. Về nước tưới, huyện cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã khó khăn về nguồn nước tập trung các nguồn vốn ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hồ đập, trạm bơm, kênh mương, nhằm cải thiện diện tích gieo cấy cũng như tăng năng suất lúa cả năm…