Làm gì để khôi phục chăn nuôi dê ở Trung Hội

09:22, 12/11/2009

Hơn 10 năm trước, Trung Hội (Định Hóa) được biết đến là một trong những xã có đàn dê lớn nhất của huyện Định Hóa. Nhưng hiện nay tại xã đang diễn ra một nghịch lý: Giá thịt dê rất cao, số lượng không đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường, nhưng người dân lại không mấy mặn mà với nghề nuôi dê.

 

Ông Ma Ngọc Lực, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung Hội cho biết: có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi dê. Trước, đàn dê ở đây đã có thời kỳ vượt quá 1.000 con, được nuôi tập trung ở các xóm dọc chân núi Nản như: Làng Vầy, Đoàn Kết 1, Đoàn Kết 2… Nhưng đến nay, mặc dù đã có  chương trình hỗ trợ dê giống cho các hộ nghèo nhưng đàn dê của xã vẫn giảm xuống chỉ còn khoảng 200 con và đang có xu hướng giảm nữa.

Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lương Xuân Nghiêm, xóm Đoàn Kết 1. Gia đình ông đã có kinh nghiệm 30 năm nuôi dê. Theo kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông Nghiêm nhận định: Dê là loài vật rất dễ nuôi, chúng ăn được cả các loại cây cỏ tự nhiên nghèo chất dinh dưỡng, chịu đựng kham khổ tốt nên hầu như không mất tiền đầu tư thức ăn. Nghề nuôi dê có thể cho thu lãi cao vì chủ yếu chỉ mất vốn đầu tư con giống ban đầu. Mỗi năm trung bình dê mẹ đẻ từ 1 đến 2 lứa, mỗi lứa 1 đến 2 con. Sau 1 năm dê trưởng thành đạt trọng lượng từ 17 đến 25 kg/con, với giá bán trung bình hiện nay là 40 đến 50 nghìn đồng/kg, 1 con dê thịt có giá trị xấp xỉ 1 triệu đồng. Gia đình ông Nghiêm nằm ngay dưới chân núi Nản, bên cạnh là thung lũng Đoàn Kết rộng hơn 20 ha nên rất thuận lợi cho việc chăn thả. Thời kỳ nhiều nhất đàn dê của nhà ông lên tới gần 100 con, việc tiêu thụ rất thuận lợi vì có lái buôn đến tận nhà đặt mua dê thịt. Nhưng vì giá dê thịt bấp bênh, có lúc giảm xuống còn có 17 nghìn đồng/kg (đầu năm 2000), trong khi diện tích chăn thả tự nhiên ngày càng bị thu hẹp vì người dân mở rộng trồng trọt ven chân núi Nản nên số lượng dê của gia đình ông Nghiêm đã giảm dần hiện chỉ còn 20 con. Khó khăn lớn nhất trong chăn nuôi dê của ông Nghiêm chính là việc đầu tư vốn quy hoạch, xây dựng trang trại, chuyển từ chăn thả tự nhiên sang kết hợp nhốt chuồng và chăn thả. 

 

Gia đình anh Mạc Văn Phi, dân tộc Tày, xóm Làng Vầy là 1 trong 6 hộ nghèo của xã Trung Hội được nhận hỗ trợ dê giống từ Chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất từ tháng 11/2007 (nằm trong nguồn vốn của Chương trình 135 giai đoạn II). Anh được Nhà nước hỗ trợ 6 con dê giống với tổng trị giá 2,6 triệu đồng, sau một thời gian tích cực chăm sóc, đến nay đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên 21 con. Con dê đã đóng góp đáng kể trong việc thoát nghèo của anh. Theo anh Phi: Tuy không mất tiền thức ăn cho dê nhưng thời gian chăn thả lớn, tập trung cho chăn dê, anh không còn mấy thời gian cho những công việc khác. Dê lại rất hay bị bệnh, đặc biệt là thời kỳ mùa đông, nếu không có những biện pháp phòng bệnh hợp lý, dê có thể bị nhiễm bệnh cả đàn và mất trắng. Ngoài ra, dê còn là loài vật có tính khí bất thường và hiếu động, hay phá hoại cây trồng của người dân. Chính vì vậy, hiện nay anh cũng không còn mặn mà với đàn dê của mình nữa.

 

Theo đánh giá của ông Lường Văn Vượng, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Định Hoá: Trung Hội là địa phương rất thuận lợi cho việc phát triển đàn dê. Thứ nhất là diện tích rừng và núi đá (thuộc núi Nản) ở đây rất phù hợp cho việc chăn thả gia súc. Thứ hai là người dân có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi dê. Tuy nhiên, do diện tích đồng cỏ cho chăn thả tự nhiên đang ngày càng thu hẹp, trong khi bà con nông dân ở đây lại chưa quen với sự thay đổi trong tập quán từ chăn thả tự nhiên sang quy hoạch chăn nuôi chuồng trại nên chăn nuôi dê của xã đang gặp nhiều khó khăn. Để khôi phục và phát triển đàn dê ở Trung Hội cần có những kế hoạch cụ thể, lâu dài. Có thể xây dựng các mô hình trang trại tại những khu vực đất rừng tự nhiên hoặc sự kết hợp của nhiều hộ nuôi dê để hình thành hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ cũng như tìm được đầu ra ổn định, lâu dài để việc chăn nuôi, xuất bán dê thịt ra thị trường đạt hiệu quả cao… Đây là hướng đi hoàn toàn có thể thực hiện được khi người dân quyết tâm làm và có sự hỗ trợ của các cơ quan, ngành chức năng.

Ông Phạm Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hội cho biết thêm: Với mong muốn khôi phục và phát triển đàn dê, tới đây xã sẽ triển khai chương trình thành lập hội những người dân có cùng sở thích nuôi dê. Đồng thời, xã cũng mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ hơn nữa về các giống dê lai và kỹ thuật chăm sóc mới cho những người chăn nuôi dê. Hy vọng nhờ những biện pháp đó, con dê ở Trung Hội sẽ sớm lấy lại vị thế như trước và nghề nuôi dê sẽ phát triển trở lại, có những đóng góp tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.