Làm giàu từ rừng

15:13, 02/11/2009

Nhanh nhẹn, chân thật là những gì chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với anh Đặng Văn Hồng, người giữ "chức" trưởng xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình). Nhắc đến anh, người dân trong vùng không chỉ nhắc tới người Trưởng xóm gương mẫu trong suốt 23 năm qua, mà còn nhắc tới một "triệu phú rừng"

 

Sau khi xây dựng gia đình, năm 1985, anh ra ở riêng. Khi đó, anh được bố mẹ chia tài sản cho là những quả đồi toàn lau và guột. Vào thời điểm 1991-1992, khi Nhà nước triển khai chương trình PAM phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trong khi người dân trong xóm còn e dè, không ai dám tham gia, thì anh, với vai trò là trưởng xóm đã mạnh dạn đăng ký trồng 0,5 ha rừng. Được cung cấp cây, lại được hỗ trợ gạo, gia đình anh đã rất tích cực trong việc thực hiện Chương trình này. Qua 1 năm, cây của gia đình anh lên xanh tốt anh có thêm căn cứ để vận động bà con tham gia để phủ xanh. Anh đã mạnh dạn đăng ký với cơ quan chức năng đảm nhận việc ươm cây giống để cung cấp cho bà con. Vừa cung cấp cây giống, vừa thực hiện phủ kín toàn bộ 10ha đất đồi của gia đình, người dân trong xóm thấy vậy đã tự giác đăng ký làm theo. Nhờ đó hầu hết diện tích đất rừng trong xóm đều được phủ kín năm. Đến năm 2003, sau hơn 10 năm trồng rừng, diện tích rừng của gia đình anh và của bà con cho khai thác và bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.

 

Cũng trong năm 2003, được sự giúp đỡ của Trung ương Đoàn, Đoàn thanh nhiên xã Tân Khánh tiếp nhận Dự án trồng rừng với cây keo lai và bạch đàn lai, trong đó xóm Cầu Cong được hỗ trợ l20 triệu đồng. Qua tìm hiểu, anh Hồng nhận thấy, 2 loại cây có tiềm năng kinh tế cao nên anh và Chi đoàn xóm đã tích cực vận động nhân dân mạnh dạn đưa vào trồng. Với đặc thù là xóm có đến 95% đồng bào dân tộc Sán Dìu, trình độ cũng như tập quán canh tác còn lạc hậu, ngại tiếp cận với cách làm ăn mới nên khi nghe anh và Chi đoàn xóm triển khai trồng loại cây khác, bà con không mấy mặn mà làm theo. Một lần nữa, anh lại là người tiên phong. Anh quyết định trồng 2ha bạch đàn lai và 8ha keo lai. Sau 1 thời gian, thấy rừng cây của gia đình anh lên xanh tốt nên bà con đã tin tưởng, làm theo. Đến nay diện tích rừng của gia đình anh đã bắt đầu cho khai thác. Anh cho biết: Giá bán trung bình 1 cây bạch đàn hiện là 60 nghìn đồng, trong khi đó, mỗi ha trồng được 1,5-1,6 nghìn cây. 10 ha rừng của tôi sẽ cho thu nhập 600-700 triệu đồng". Một kinh nghiệm được anh Hồng rút ra trong việc trồng rừng đó là cần làm tốt công đoạn chăm sóc và bảo vệ.

 

Kinh tế phát triển, anh đã mua được ô tô tải trị giá 350 triệu đồng cho cậu con trai để đi bán ngô hạt ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Trung bình mỗi tháng, từ nguồn thu này, gia đình anh cũng lãi được ít nhất 10 triệu đồng. Với những nỗ lực trong vai trò là trưởng xóm, cũng như mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình, năm 2003, anh vinh dự được tham dự Hội nghị tuyên dương Già làng, trưởng bản tiêu biểu toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội...