Ngân hàng tìm cách hút vốn

10:38, 09/11/2009

Cuộc đua kéo dài 3 tháng qua giữa các ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên sát 10%. Điều này khiến các ngân hàng phải xoay ra tìm cách khác để tiếp tục huy động vốn mà không bị phạm luật.

 

Hết dài lại đến ngắn

 

Trong tuần, vẫn có một số ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động. Nếu như trong 2 tháng trước, các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất kỳ hạn dài thì nay đa số chuyển sang tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.

 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) từ 4/11 tăng lãi suất cho sản phẩm tiền gửi tiết kiệm bậc thang, lãi suất tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn từ 0,04 – 0,55 %/năm.

 

Với biểu lãi suất mới này, lãi suất tiết kiệm bậc thang VND của SHB thấp nhất cũng đã lên tới 9,2%/năm ở kỳ hạn 1 tháng và mức tiền gửi dưới 500 triệu đồng.

 

Trước đó, cuối tháng 10/2009, SHB đã tăng lãi suất 0,25 %/năm với các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng của sản phẩm tiết kiệm bậc thang. Lãi suất tiết kiệm rút gốc linh hoạt cũng tăng tới 0,3% với kỳ hạn 3 tháng. Sau lần điều chỉnh này, lãi suất cao nhất là 9,72%.

 

Từ đầu tháng 11, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng lãi suất huy động đối với các loại tiền VND, USD và EUR. Đối với VND, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng thêm cao nhất là 1,2 %/năm so với biểu lãi suất cũ, mức lãi suất cao nhất là 9,72%/năm.

 

Lãi suất USD cũng được điều chỉnh tăng cao nhất là 0,7%/năm, lãi suất cao nhất là 3,60 %/năm. Cùng với đó, lãi suất huy động EUR cũng được điều chỉnh tăng lên cao nhất là 1,75 %/năm.

 

Trong khi, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tăng lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng từ 0,05-0,25 %/năm. Lãi suất các kỳ hạn 1, 2, 3 tuần lần lượt là 7,6, 8 và 8,2 %/năm.

 

Tuy nhiên, xét về khả năng, lãi suất không còn cửa để tăng mạnh. Hầu hết các ngân hàng đều trong tình trạng cố “ép” mọi cách để tăng lãi suất. Bởi vì, khoảng cách đầu vào, đầu ra hiện nay đã rất thấp, dưới 1,5%. Và đây chính là mức được cho là nhạy cảm vì không còn lãi.

 

Ngân hàng Nhà nước cũng đã cảnh báo các tổ chức tín dụng về khoảng cách sinh lãi ngày càng thu hẹp và khuyến cáo các ngân hàng cần chú trọng đến an toàn tín dụng. Nhất là khi lãi suất cơ bản được tuyên bố giữ ổn định trong thời gian tới.

 

Từ chứng chỉ tiền gửi tới trái phiếu

 

Có một thực tế được thừa nhận từ chính các ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước là dù lãi suất đã tăng nhưng tăng trưởng huy động vốn đã giảm dần qua các quý. Những tuần gần đây, thống kế từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, khả năng tăng trưởng huy động vốn là rất thấp cho đến cuối năm.

 

Trong khi đó, những số liệu thống kê cũng cho thấy, tăng trưởng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9 đã lên đến sát 30% trong khi khả năng huy động vốn qua tăng lãi suất khoảng 27%. Điều này khiến các ngân hàng đang đối mặt với thực tế thiếu vốn.

 

Chính vì thế cuộc đua lãi suất huy động vốn đã được đẩy lên đỉnh điểm. Tuy nhiên, trước thực tế Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể không tăng lãi suất cơ bản, trần cho vay bị khống chế khiến khả năng tăng lãi suất huy động gần như bị đóng cửa. Điều này buộc các ngân hàng tìm cách để xoay vốn và hấp dẫn khách gửi tiền.

 

Từ đầu tháng 11, Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG). Lãi suất áp dụng cho CCTG bằng VND lên đến 10,20 %/năm cho kỳ hạn 24 tháng, 10,10%/năm cho CCTG kỳ hạn 18 tháng.

 

Đối với CCTG bằng USD, lãi suất cao nhất là 3,14% cho kỳ hạn 9 tháng và 2,82% cho kỳ hạn 6 tháng. Đây là một trong những mức lãi suất CCTG cao nhất hiện nay.

 

Một trong những cách thu hút vốn được nhiều ngân hàng tính đến là phát hành trái phiếu. Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank)  đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.   

 

Mục đích của đợt phát hành lần này là bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn. Habubank sẽ xem xét tiếp việc phát hành hết số lượng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.

 

Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) vừa công bố phát hành thành công được 2.100 tỷ đồng trái phiếu dài hạn năm 2009. Trong đó, 1.800 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm và 300 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) cũng đã huy động được 1.362 tỷ đồng đợt đầu năm 2009.

 

Việc phát hành trái phiếu NHTM được nhận định là rất thanh khoản, có thể sinh lời cao, lãi suất hấp dẫn, điều kiện linh hoạt nên các NHTM nhờ phát hành trái phiếu mà thu về hàng ngàn tỷ đồng vốn trung dài hạn. Đây là cách có lợi nhất để thu hút vốn trong điều kiện hiện nay.