Người đầu tiên ở Đại Từ trồng cỏ VA06 thành công

10:39, 03/11/2009

Theo lời giới thiệu của đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đại Từ, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Cơ Bản, xóm Trại Mới, xã Phú Lạc - người nông dân đầu tiên của huyện mạnh dạn đầu tư trồng cỏ VA06 - giống cỏ được đánh giá là “vua của các loại cỏ”.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan đồng cỏ của mình, ông Bản vui mừng khoe: Đầu năm 2009, từ nguồn kinh phí của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đại Từ triển khai thực hiện mô hình trồng và thâm canh giống cỏ VA06 trên địa bàn, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia trồng với tổng diện tích là 1ha. Không chỉ được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cỏ VA06, gia đình tôi còn được Cục Chăn nuôi hỗ trợ toàn bộ hom cỏ giống để trồng đủ diện tích đăng ký trên. Theo lời giới thiệu của các anh cán bộ của phòng Nông nghiệp & PTNT huyện thì giống cỏ Varisme số 6 (gọi tắt là cỏ VA06) là giống cỏ được lai tạo giữa cỏ voi và cỏ đuôi sói của châu Mỹ, đây là giống cỏ mới có năng suất, chất lượng cao hơn cỏ Voi - giống cỏ đang được trồng phổ biến trên địa bàn.

 

Kể về những lận đận của mình trong nghề chăn nuôi, ông Bản cho biết: Sau khi về nghỉ hưu tại địa phương, tôi muốn tìm một công việc có thêm thu nhập, phù hợp với lứa tuổi. Giờ tôi đã có tuổi nên không thể đi hái chè hay làm ruộng được nữa. Đầu tiên, tôi chọn nuôi vịt với số lượng khoảng 600 con, thấy không hiệu quả, tôi lại chuyển qua nuôi khoảng 200 con gà, thậm chí cũng từng nuôi đến 25 lợn thịt/lứa…  Nhưng tất cả đều thất bại do chi phí đầu tư mua giống đắt, giá thức ăn chăn nuôi không ổn định, tỷ lệ rủi ro cao. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận thấy, số lượng đàn trâu trên địa bàn ngày một giảm, trong khi nhu cầu thực phẩm của dân thì ngày một cao. Vả lại nuôi trâu thì chỉ ăn cỏ và uống nước lã nên chi phí chăn nuôi thấp, tỷ lệ rủi ro không cao như nuôi những con “đặc sản” khác và cuối cùng tôi quyết định chọn chăn nuôi trâu thịt, khi đó là vào năm 2007.

 

Những ngày đầu chăn nuôi trâu thịt, ông tìm mua từ 2-3 trâu gầy về “vỗ béo”. Ông Bản nhẩm tính, với mỗi con trâu gầy có trọng lượng 70-80 kg, sau 2 tháng chăn nuôi trâu đạt trọng lượng trên 1 tạ và bán giá 100 nghìn đồng/kg, thu lãi từ 3 triệu đồng trở lên/con. Sau một thời gian chăn nuôi theo kiểu “vỗ béo” như vậy, ông thấy càng ngày tìm mua trâu gầy càng khó khăn, nhiều lúc ông phải đi lên tận Định Hóa mua trâu về nuôi, chi phí đi lại cũng không phải là nhỏ nên ông quyết định chăn nuôi trâu sinh sản. Cùng với việc đầu tư chuồng trại, ông còn trồng 8 sào cỏ Voi để chăn nuôi trâu. Đầu năm 2009, sau khi tham gia chương trình trồng, thâm canh cỏ VA06, gia đình ông Bản đã dần dần thay thế toàn bộ diện tích cỏ voi này bằng giống VA06.

 

Qua thời gian thực hiện mô hình, ông Bản cho biết thêm: Giống cỏ VA06 này thích hợp với các loại đất cao ráo, không bị úng, sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khoẻ, năng suất cao, giàu dinh dưỡng. Nếu trồng làm thức ăn chỉ sau 45 ngày có thể cắt được 1 lứa. Có thể khẳng định giống cỏ VA06 có ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng so với các loại cỏ đang trồng trên địa bàn như cỏ voi, cỏ ghi nê… Hiện nay, gia đình ông Bản đã gây dựng được đàn trâu ổn định với 10 con, trong đó 5 con đang sinh sản, 2 trâu nái tháu và 3 trâu đực. Và diện tích cỏ trên đủ để gia đình ông chăn nuôi đàn trâu hiện có, thậm chí còn dư thừa.

 

Để phát triển chăn nuôi bền vững, ngoài việc tích cực chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong cải tạo giống, thức ăn, thú y… huyện Đại Từ còn chú trọng đến phát triển nguồn thức ăn xanh cung cấp cho đàn gia súc. Trước thực trạng nguồn cỏ tự nhiên cho chăn nuôi đại gia súc ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu chăn nuôi trâu, bò đang ngày càng tăng, thì việc đưa nhanh giống cỏ này vào sản xuất sẽ là “cứu cánh” cho các hộ chăn nuôi.