Người tiêu dùng ngày càng ưa thích hàng khuyến mại

15:16, 23/11/2009

Hành vi mua sắm của người tiêu dùng thành thị đang thay đổi. Nếu trước đây họ thường có xu hướng mua những sản phẩm đắt tiền thì nay, sản phẩm khuyến mại là lựa chọn đầu tiên.

 

Thông tin trên được bà Nguyễn Hương Quỳnh – Trưởng phòng cao cấp, bộ phận Tư vấn Đo lường Bán lẻ của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam đưa ra tại hội thảo Xu hướng Tiêu dùng và Triển vọng thị trường bán lẻ 2010, diễn ra hôm 20/11 tại Hà Nội.

 

Căn cứ vào hai cuộc khảo sát của Nielsen về niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu diễn ra trong tháng 2 và 9/2009, bà Quỳnh cho biết, nếu thời điểm tháng 2, người tiêu dùng có xu hướng mua những sản phẩm đắt tiền thì đến tháng 9, hành vi này thay đổi theo hướng họ cân nhắc hơn, chọn mua những sản phẩm khuyến mãi, rẻ tiền hơn và không mua những sản phẩm chưa cần thiết.

 

Đây là một chỉ báo quan trọng giúp các nhà sản xuất có chiến lược theo đuổi và đầu tư hơn vào các chương trình khuyến mãi của mình trong tương lai.

 

Theo Nielsen Việt Nam, những ngành hàng ảnh hưởng chủ yếu từ sự thay đổi hành vi tiêu dùng kể trên là bánh kẹo, sữa, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc gia đình…

 

Tuy nhiên, đại diện hãng nghiên cứu người tiêu dùng và đo lường bán lẻ này cũng nhấn mạnh, không phải chương trình, loại hình khuyến mại, marketing nào cũng phù hợp cho tất cả thị trường.

 

“Thực tế, tâm lý của người tiêu dùng Sài Gòn là rất thích các hình thức khuyến mại như tăng trọng lượng sản phẩm, tặng kèm hàng, nhưng thị trường Hà Nội lại chỉ thích một loại khuyến mãi duy nhất, đó là giảm giá. Đây là điểm khác biệt cơ bản” – bà Quỳnh chỉ rõ.

 

Sản phẩm tốt cho sức khỏe hút khách

 

Về xu hướng mua sắm, đại diện Nielsen đúc rút, các sản phẩm hướng tới hay được định vị là tốt cho sức khỏe đang nhận được rất nhiều ủng hộ từ phía người tiêu dùng.

 

Bằng chứng là “hiện có quá nhiều sản phẩm được gắn mác làm từ trà xanh, từ sữa tươi, trà uống liền đến cả nước rửa chén bát…

 

Nếu năm 2007, ngành hàng đồ uống không cồn, nước ngọt có gas dẫn đầu thị trường đồ uống về giá trị thì thời điểm năm 2009, trà uống liền vươn lên giành ngôi vị hàng đầu” – bà Quỳnh nói.

 

Trong biểu đồ TOP 10 mặt hàng tiêu dùng nhanh có sự tăng trưởng mạnh trong 6 tháng qua tại thị trường Việt Nam của Nielsen, trà uống liền có sự tăng trưởng nhiều nhất, tới 66% so với cùng kỳ năm ngoái; vị trí tiếp theo là nước uống tăng lực (25%) và bia (24%).

 

Kênh phân phối hiện đại còn nhiều khoảng trống

 

Một thông tin đáng quan tâm khác là nhận định của Nielsen về thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là kênh phân phối hiện đại là các cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại.

 

Từ 368 cửa hiệu bán lẻ năm 2007, sang năm 2008, con số này tại Hà Nội và TP.HCM đã lên đến 425, tăng trưởng 16%. Số cửa hiệu thuộc kênh phân phối hiện đại này tính đến tháng 3/2009, chiếm khoảng 26% trong tổng cơ cấu của thị trường bán lẻ tại hai thành phố lớn. Nếu mở rộng ra thị trường bán lẻ toàn quốc, nó mới chỉ chiếm tỷ trọng từ 10-12%.

 

“Nếu so sánh số lượng 400 cửa hiệu tại Hà Nội và TP.HCM với khoảng 16 triệu người sinh sống tại hai thành phố, con số này còn quá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân” – bà Quỳnh bình luận.

 

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam phân tích, kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm từ 18-20% trong tổng cơ cấu của thị trường bán lẻ Việt Nam. So với mức 33% tại Philippines, 51% tại Trung Quốc và 90% tại Singapore thì thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều khoảng trống và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

 

Qua nghiên cứu hành vi mua sắm của người tiêu dùng từ vài năm nay, Nielsen chỉ ra, tần suất đi mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị (kênh hiện đại) ngày càng tăng.

 

Nếu năm 2007, có 11% khách hàng được hỏi cho biết coi siêu thị là kênh mua sắm chủ yếu thì năm 2008, con số này là 21%. Nếu năm 2005-2007, tần suất đi mua sắm tại siêu thị trung bình của người dân là 2 lần/tháng, thì năm 2008, con số này là 3 lần/tháng.

 

Tuy nhiên, trong tương quan này, chợ truyền thống vẫn có tần suất trung bình cao nhất, 28 lần/tháng.  

 

Theo Nielsen, chợ có ưu thế là các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, các sản phẩm tươi sống. Còn siêu thị có thế mạnh là các sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân.

 

Trong khi chi tiêu cho thực phẩm tươi sống thường chiếm tới 62% tổng chi tiêu của người Việt Nam (con số trung bình từ tầng lớp thu nhập thấp đến thu nhập cao) thì việc tập trung và đầu tư hơn nữa cho góc thực phẩm tươi sống sẽ là một biện pháp hiệu quả trong việc lôi kéo người tiêu dùng đến mua sắm tại siêu thị.