Phát triển cây khoai tây vụ đông ở T.P Thái Nguyên

14:31, 15/11/2009

Chương trình đưa cây khoai tây vụ đông vào trồng đại trà ở T.P Thái Nguyên được bắt đầu từ năm 2008. Để giúp đỡ bà con, thành phố có cơ chế hỗ trợ 60% chi phí về giống và 40% vật tư. Tổng kết vụ đông năm 2008, toàn T.P Thái Nguyên trồng được gần 10ha khoai tây giống Diamant và VT2, tổng sản lượng trên 170 tấn, trị giá gần 659 triệu đồng.

 

Thấy trồng khoai tây cho hiệu quả kinh tế, năm 2009, thành phố tiếp tục có chương trình hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật để khuyến khích bà con mở rộng diện tích. Ngoài hỗ trợ giống, vật tư, năm nay, thành phố còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch khoai tây vụ đông. Để chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ đông, chương trình trồng cây khoai tây vụ đông năm nay được thành phố triển khai từ rất sớm. Tháng 5-2009, đã bắt đầu tập huấn kỹ thuật, tổ chức cho các hộ đăng ký diện tích trồng. Đặc biệt, Phòng Kinh tế đã hợp đồng với Viện nghiên cứu rau quả TW cung ứng cho bà con giống khoai tây siêu nguyên chủng được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Giống khoai tây này có ưu điểm là hạn chế tối đa tỷ lệ nhiễm sâu bệnh, năng suất cao, có thể lên đến 1,2-1,5 tấn/sào (cao gấp 1,5 lần so với các giống khoai tây khác).

 

Từ hiệu quả kinh tế từ vụ đông năm trước, vụ này, bà con tiếp tục đăng ký trồng đến khoảng 20ha. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Liễn, xóm Nhị Hoà, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) vừa lúc ông đang trồng nếu những cây khoai tây cuối cùng, ông Liễn cho biết: Gia đình tôi có gần 8 sào đất soi, những năm trước tôi vẫn trồng rau và ngô. Năm 2008, do diện tích rau, ngô bị ngập nên mất trắng, được Thành phố hỗ trợ, tôi trồng 3 sào khoai tây. Sau 3 tháng, gia đình tôi thu được khoảng 1,5 tấn, bán được trên 5 triệu đồng. Qua vụ đầu tham gia trồng khoai tây, tôi thấy khoai tây là loại cây dễ tính, thích nghi với nhiều loại đất, cách trồng đơn giản, chăm sóc cũng không đòi hỏi kỹ thuật nhiều. Trồng khoai tây không cần bón phân hóa học, chỉ cần giữ ẩm thường xuyên cho đất là được. Khi phát hiện có rệp, nhện thì phun thuốc trừ. Vụ Đông năm nay, tôi đã đăng ký trồng 5 sào.

 

Chị Hà Thị Minh, xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng cho biết: Gia đình tôi có 2 sào đất, những năm trước gặt xong vụ lúa mùa, gia đình chỉ trồng ngô vụ đông, với năng suất 1,5 tạ/sào, mỗi vụ gia đình thu được khoảng 600 nghìn đồng/sào. Năm 2008, được sự hỗ trợ của thành phố, gia đình tôi thay thế trồng ngô bằng khoai tây. Vụ đầu tiên, gia đình thu được hơn 1 tấn, trị giá trên 4 triệu đồng. Vđông nay, tôi tiếp tục trồng 2 sào, hy vọng giống khoai tây mới này sẽ còn cho thu nhập cao hơn nữa.

 

Đồng chí Vũ Công Định, Phó Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho biết: Tính đến thời điểm này, các xã, phường đã triển khai trồng được trên 90% diện tích, đây là khung thời vụ thích hợp nhất để cây khoai tây phát triển tốt. Toàn thành phố có 20/28 xã, phường triển khai trồng cây khoai tây, các xã, phường trồng nhiều là: Thịnh Đán, Lương Sơn, Cam Giá… Với những ưu điểm của cây khoai tây vụ đông, hy vọng sẽ góp phần tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở T.P Thái Nguyên.