Phúc Thuận phát triển cây chè

08:48, 20/11/2009

Sự xuất hiện của cây chè ở Phúc Thuận (Phổ Yên) gắn với sự ra đời của Nông trường chè Bắc Sơn vào cuối những năm 1950. Khi Nông trường chè Bắc Sơn ra đời, người dân Phúc Thuận đã trồng chè cung cấp nguồn nguyên liệu cho Nông trường. Hiện, cây chè vẫn khẳng định được vị trí số một của mình ở Phúc Thuận với việc được Đảng ủy xã chọn làm cây trồng mũi nhọn.

 

Nếu như năm 2004, toàn xã Phúc Thuận chỉ có 320 ha chè thì đến nay, toàn xã có tới trên 500 ha. Diện tích trồng chè mới đã được người dân quan tâm, chọn lọc những giống có năng suất đem lại giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy mà hiện nay, cây chè đóng góp tới trên 40% tổng thu ngân sách địa phương, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân Phúc Thuận. Tỷ lệ hộ nghèo của Phúc Thuận đã giảm từ trên 30% năm 2006 xuống còn 16% năm 2009. Đặc biệt, xã có 5 xóm trồng chè người dân trên 50 năm với tỷ lệ hộ dân trồng chè lên đến 70% và 80%.

 

Xóm Phúc Tài là một trong các xóm có truyền thống trồng chè hơn nửa thế kỷ của Phúc Thuận. Xóm có trên 200 hộ thì có tới 140 hộ làm chè với diện tích 11 ha. Cụ bà Nguyễn Thị Hoạch năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Bà Hoạch theo gia đình từ Bình Sơn (T.X Sông Công) lên lập nghiệp và an cư ở xóm Phúc Tài từ năm 1957. Bà cho biết, khi đó, cây chè được trồng trên các sườn đồi thấp và chủ yếu phục vụ nhu cầu trong các hộ gia đình. Những năm sau đó, Đảng và Nhà nước thành lập nông trường chè ở địa phương, đồng thời khuyến khích nông dân trồng chè, mở hướng phát triển trồng chè hàng hóa cho nông dân. Chính vì vậy mà cây chè nhanh chóng được người dân trồng trên các sườn núi tới những gò đồi và cả trong vườn nhà. Riêng gia đình bà Hoạch cũng đã trồng được khá nhiều chè và chia cho những người con khi họ đã trưởng thành. Ngoài diện tích cấy lúa thì mỗi người con của bà Hoạch đều có khoảng 4 sào chè mỗi năm thu khoảng 40 triệu đồng. Cụ bà Nguyễn Thị Mít gần 70 tuổi cho biết, bà về làm dâu ở Phúc Tài được hơn 40 năm. Đây cũng là quãng thời gian bà làm chè cùng gia đình nhà chồng. Hiện, gia đình bà có gần 1 mẫu đất trồng chè cho thu nhập mỗi năm trên 80 triệu đồng. “Mọi thứ trong gia đình tôi đều từ cây chè mà ra cả” - bà Mít nói.

 

Ông Phạm Đình Thanh, Trưởng xóm Phúc Tài cho biết, trong xóm Phúc Tài hiện còn nhiều người cao tuổi có kinh nghiệm trồng chè trên 50 năm. Mặc dù không trực tiếp tham gia làm chè nhưng các cụ vẫn quan tâm theo dõi và truyền lại những kinh nghiệm trồng, chế biến chè cho con cháu. “Bình quân mỗi năm nông dân trong xóm, cũng bán ra thị trường trên 200 tấn chè khô trị giá gần 10 tỷ đồng”.  Xóm có rất nhiều hộ hộ giàu lên cây chè, tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Nguyện, mỗi năm gần có khoảng 1 tấn chè chất lượng cao đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng, gia đình ông Phạm Bính Thìn, trồng chè cành, cho thu nhập 60 triệu đồng/năm…

 

Rời xóm Phúc Tài, chúng tôi đến các xóm Tân ấp 1, Bãi Hu, Quân Cay, Đức Phú… qua nơi nào cũng bắt gặp hình ảnh đồi chè xanh mướt. Thăm mô hình trồng chè và chế biến chè của gia đình ông Trịnh Văn Thu ở xóm Tân p 1, từ trên 1 trồng chè, mỗi năm, gia đình ông sản xuất 2,5 tấn chè khô cho thu nhập hơn 80 triệu đồng. Ông Thu cho biết: “Thu nhập từ cây chè đã giúp vợ chồng tôi xây được nhà và mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày”. Theo thống kê của xóm Tân ấp 1, cây chè đóng góp tới 2/3 thu nhập của các hộ dân trong xóm. Toàn xóm có trên 10ha chè với 135/182 hộ trồng chè. Mỗi năm, người dân trong xóm sản xuất tới gần 130 tấn chè khô cung cấp ra thị trường. Bình quân thu nhập của những hộ trồng chè trong xóm đạt 1 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Trần Trung Thành, trưởng xóm Tân ấp 1 cho biết: “Cây chè hiện không chỉ được phát triển mạnh về diện tích mà còn được người dân chú trọng đến việc đưa các giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chăm sóc và được đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến chè búp tươi cho giá trị kinh tế cao.” Ông Trần Văn Tường, Trưởng xóm Đức Phú cho hay: “Việc chế biến chè đang ngày càng được cơ giới hóa. Những chiếc chảo gang, tấm tôn sao chè bằng tay nay được thay bằng tôn quay mô tơ điện và máy vò chè. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình làm chè ở xóm tôi và các xóm khác đều thiếu vốn mở rộng sản xuất. Người dân còn muốn phát triển sản phẩm chè với thương hiệu riêng để nâng cao hiệu quả kinh tế nhưng những điều này là quá sức với người nông dân trồng chè”.

 

Đem những điều “mắt thấy, tai nghe” trao đổi với ông Vũ Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, chúng tôi được biết, để khuyến khích người dân trồng, chế biến chè đặc biệt là người dân các xóm có truyền thống trồng chè trên 50 năm, UBND xã đã phối hợp với Phòng Công Thương Phổ Yên làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận 5 làng nghề truyền thống. Ông Thanh cho biết: “Việc làm này sẽ giúp người dân các làng nghề có điều kiện tiếp cập với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế và quan trọng hơn là hoạt động của các làng trồng chè truyền thống sẽ đi vào nề nếp và có thể xây dựng được thương hiệu riêng của làng nghề”.