Tân Linh làm chè vụ Đông

08:51, 25/11/2009

Xã Tân Linh, Đại Từ có trên 1.400 hộ, khoảng trên 95% số hộ đời sống kinh tế chủ yếu trông vào cây chè. Với diện tích hơn 700 ha chè đang cho thu hái, mỗi năm xã có trên dưới 160 nghìn tấn chè búp khô xuất bán, giá trị hàng hóa đạt hơn 6,4 tỷ đồng. Đặc biệt là những năm gần đây, có tới 60% số hộ trong xã đầu tư làm chè vụ Đông, với diện tích trên 200 ha...

 

Giữa những ngày đông chí, lượng mưa ít, khiến đồng đất trở lên cằn khô, cỏ cây cũng xơ xác. Nhưng ở vùng chè Tân Linh (Đại Từ), nhiều nông dân đã dẫn nước ngược đồi, tưới tắm cho những nương chè nảy búp xanh.

 

Làm lên điều kỳ diệu ấy chủ yếu là các nông dân từ vùng đất T.P Thái Bình lên khai hoang từ những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Như lời ông Nguyễn Tiến Hoà, Chủ tịch UBND xã Tân Linh: Bấy giờ, vùng đất này toàn đồi hoang đầy cỏ lau, cỏ guột, bà con Thái Bình lên khai hoang, phát nương, bãi trồng chè. Vì thế tại các xóm 1, 2, 4 và xóm 6… nhiều nương chè có tuổi chừng 35 năm. Cũng mấy mươi năm nay, người dân Tân Linh sinh sống nhờ cây chè, tự hào về sản phẩm chè của mình làm ra. Nhưng, nếu chỉ làm chè thường thì giá bán không cao, giá cả lại không ổn định. Nhiều hộ dân ở Tân Linh đã chuyển sang sản xuất chè Đông. Tuy vất vả nhưng giá bán gấp 2-3 lần chè thường

 

Chúng tôi nhẩn nha bước trên những nương đồi của Tân Linh, thấy rằng: Làm chè Đông không phải là việc dễ dàng gì. Bởi chè đông đòi hỏi lượng nước tưới rất lớn. Nên những diện tích phải ở gần nguồn nước mới có thể phát triển được. Bà Nguyễn Thị Tâm, xóm 5 cho biết: Gia đình tôi có 2 mẫu chè, nhưng đồi dốc, nguồn nước khó nên chỉ đầu tư được 3 sào chè làm vụ Đông. Từ 5 năm nay, nhờ có máy bơm nước, trung bình mỗi vụ gia đình tôi thu hái được 2 lứa. Xao xấy được trên 70 kg, giá bán được khoảng 100 nghìn đồng/kg, cao gấp hơn 2 lần so với chè chính vụ. Vừa khi ấy, ông Nguyễn Văn Vượng, chồng bà Tâm, chân mang đôi ủng thấm nước, ông vừa đi mắc ống nước từ khu ao trũng dẫn nước lên tưới chè. Ông cho biết thêm: Làm chè Đông không phải đầu tư nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như chè chính vụ. Nhưng để chè nẩy được búp, cần phải có nước tưới thường xuyên, bảo đảm độ ẩm cho bộ rễ, lá chè phát triển.

Ông Vũ Đức Tùng, cán bộ khuyến nông xã cho biết: Hiện trong xã có trên 1.400 hộ đang sinh sống tại 14 xóm, khoảng trên 95% số hộ đời sống kinh tế chủ yếu trông vào cây chè. Với diện tích hơn 700 ha chè đang cho thu hái, mỗi năm xã Tân Linh có trên dưới 160 nghìn tấn chè búp khô xuất bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh, giá trị hàng hóa đạt hơn 6,4 tỷ đồng. Đặc biệt là những năm gần đây, có tới 60% số hộ trong xã đầu tư làm chè vụ Đông, với diện tích trên 200 ha, sản lượng đạt gần 6 tấn chè búp kh. Đời sống người nông dân nhờ thế đã được nâng cao. Từ sản xuất chè, trong xã đã có hơn 10 hộ mua sắm được ô tô làm dịch vụ, các xóm 5, 6, 7, 9, 10 nhân dân tự đóng góp 100% vốn xây dựng được đường bê tông. Cuối năm nay, xóm 3, xóm 5 tiếp tục để làm đưòng bê tông do nhân dân trong xóm đóng góp công sức tiền của.

 

Nhận thấy làm chè vụ Đông cho thu nhập cao hơn so với chè chính vụ, gia đình ông Nguyễn Văn Tưởng, xóm 6 đã đầu tư vào 20 sào chè Đông. Gia đình ông Tưởng đã  mua 5 chiếc máy bơm điện và hàng trăm mét ống dẫn nước tưới chè; Gia đình ông còn xây dựng thêm một số bể chứa nước ở các lô chè khác nhau, đồng thời ở những lô chè ở cao, ông phải dùng cách bơm hút nước nối 2 máy lại, nước mới lên được các luống chè. Công tưới vất vả, nhưng công xao, xấy chế biến lại có phần nhàn hơn, vì búp chè vụ Đông không tích nhiều nước, nên thời gian chế biến được rút ngắn… Còn bà Lê Thị Anh, xóm 5 cho biết: Nhà có hơn hai chục sào chè thì, sào gần nguồn nước được dành làm chè Đông. Chè Đông có giá cao hơn vì có vị đậm, được nước và thơm ngon hơn chè chính vụ. Nhất là về mùa Đông, trời lạnh, sâu không phát triển được, nên người tiêu dùng yên tâm không lo mua phải chè phun thuốc trừ sâu. Còn ông Phạm Bá Dũng, xóm 11 thì nói: Chè Đông mất khoảng 45 ngày mới được 1 lứa hái. Chè tốt hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm của người trồng chè, như việc những hôm sương muối, sáng phải dậy thật sớm để phun tưới, nếu không chè sẽ bị xoăn hết lá, búp...

 

Qua trao đổi chúng tôi còn được biết, hiện nay, nhiều nông dân trong xã Tân Linh đang từng bước chuyển sang làm chè chất lượng cao, như việc chuyển đổi dần diện tích chè giống cũ sang trồng các loại chè giống mới như LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tiên… đồng thời áp dụng các kỹ thuật sản xuất IPM và sử dụng nước tưới từ công trình khí sinh học bón tưới cho chè thay phân đạm. Điển hình như gia đình ông Lương Văn Chấm, xóm 12; gia đình ông Nguyễn Văn Định, xóm 11… Nhờ thế, chè của các hộ này luôn được giá trên 100 nghìn đồng/kg.