Doanh nghiệp Việt Long, xóm Tân Đức 2, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) nhiều năm nay đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, trung bình mỗi ngày đơn vị này cho xuất xưởng từ 5 đến 7 máy sao, sấy chè có công suất chế biến từ 1 tạ đến 2 tấn chè búp tươi/8 tiếng...
Trong câu chuyện với chúng tôi, Ông Nguyễn Đình Luật, Giám đốc Doanh nghiệp tâm sự: Thời buổi cơ chế thị trường, làm nông dân cũng phải có thương hiệu, huống hồ những người như tôi, chuyên sản xuất ra sản phẩm phục vụ cho nông dân vùng chè. Nếu sản phẩm kém, chắc chắn người nông dân sẽ quay lưng lại với chúng tôi.
Bước vào nghề cơ khí, chuyên gia công các loại máy sao chè, vò chè, sấy chè, với ông Luật còn là một cái duyên. Năm 1985, ông xin đi làm công nhân ở xí nghiệp Sắt tráng men Hồng Hà (Thái Nguyên), vốn là người hay có sáng kiến, ông được Xí nghiệp cử đi học lớp Sơ cấp cơ khí sắt tráng men. Sau tốt nghiệp, ông trở về cơ quan làm một người thợ cơ khí. Song do làm ăn không có lãi, ông Luật và một số lao động khác được cơ quan cho nghỉ việc. Song thấy mình có duyên với cái nghề gò, gõ cuốn sắt hơn là việc mua qua, bán lại, ông Luật trở về xóm Tân Đức 2, xã Thịnh Đức nơi "chôn rau cắt rốn" để thử sức với nghề.
Ông bảo: Khi bắt tay vào làm cũng thấy lo nhưng khi thấy cái máy sao chè bán cho ông Trần Văn Thiết ở xóm Ba Vũng (Tân Cương), thấy ông Thiết khen máy chạy tốt, tôi mừng lắm và chính thức bắt tay vào sản xuất hàng loạt… Lúc ấy, năm 1996, tôi huy động được thêm gần chục lao động trong xã đến giúp, mỗi người một phần việc như: hàn, gò, cuốn thép… tôi phụ trách phần thiết kế, tạo mẫu, kỹ thuật… sản phẩm làm ra đến đâu, bà con nông dân tới mua đến đó.
Để giảm giá thành sản phẩm, ông Luật đã trực tiếp về huyện Thạch Thất (Hà Tây), nay là Hà Nội mua thép và các loại vật tư khác để sản xuất. Ngay từ khi thành lập cơ sở sản xuất, ông luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu để gây dựng uy tín, “thương hiệu” cho cơ sở của mình. Đặc biệt trong hợp đồng với người tiêu dùng hoặc cơ sở sản xuất chè lớn trong và ngoài tỉnh, ông luôn chấp hành nghiêm ngặt các yêu cầu về vật tư, thiết bị và thời gian giao hàng do bên đặt mua yêu cầu. Chính vì thế mà cơ sở sản xuất của ông đã “vươn” tới một số cơ sở sản xuất chế biến chè có quy mô lớn, như: lắp đặt 6 máy sao lăn chè xanh cho Công ty Chè Hoàng Bình (T.P Thái Nguyên); dây chuyền chế biến cho Xưởng sản xuất chè xanh Phạm Đình Hựu (T.X Tuyên Quang) và một số cơ sở sản xuất chế biến chè ở Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… Hầu hết các máy đều được ông và những người thợ của mình gia công chế biến tại cơ sở và chuyển đến lắp đặt, bàn giao lại cho khách hàng.
Năm 2007, khi đồng vốn lưu động có khá hơn (khoảng 500 triệu đồng), ông quyết định thành lập doanh nghiệp chuyên gia công cơ khí máy sao chè, vò chè và doanh nghiệp lấy tên Việt Long. Để khẳng định một bước tiến mới trong sản xuất kinh doanh, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua mới các dụng cụ, thiết bị sản xuất như máy hàn MAX công nghệ cao, máy cắt Plasma công nghệ cao và một máy phát điện 24 mã lực. Cũng chính nhờ có sự đầu tư công nghệ sản xuất hợp lý, trong gần 3 năm vừa qua, ông đã ký được một số hợp đồng cung cấp, lắp đặt hàng trăm máy sao, sấy, chế biến chè cho Viện Nghiên cứu chè Phú Thọ, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và người dân tại các vùng chè trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt, ông còn tự cải tiến và chế tạo thành công máy sấy chè, gồm 7 tầng chuyền, đồng thời thiết kế chuyển đổi hệ thống cung cấp nhiệt từ lò bầu sang hệ thống lò lấy nhiệt qua đường ống dẫn. Nhờ đó, người chế biến có thể chủ động điều chỉnh được nhiệt lượng lò phù hợp, chất lượng chè vì thế sau khi chế biến cũng được nâng cao.