Thông lệ, thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá một số mặt hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu sẽ có những dấu hiệu “ấm” dần lên. Vậy, thị trường Tết Nguyên đán năm nay có gì biến động? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tiến Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công thương - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh xung quanh vấn đề trên.
P.V: Đồng chí có nhận định gì về tình hình, diễn biến của thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm nay?
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàn: Tình hình thị trường Thái Nguyên từ đầu năm 2009 đến nay cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Theo đánh giá, những tháng cuối năm, nền kinh tế nói chung và thị trường hàng hóa đã, đang phục hồi và có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, song song với sự phục hồi và phát triển là nguy cơ về tái lạm phát, bất ổn về cung - cầu hàng hóa sẽ tăng cao. Trong đó, do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thường tăng mạnh vào dịp Tết sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng hóa, đặc biệt là dịp Tết. Lợi dụng tình hình đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể sẽ đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất thường, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường... để trục lợi.
P.V: Với chức năng và nhiệm vụ của mình, thời gian tới, Chi cục sẽ tập trung vào những việc trọng tâm nào, để góp phần bình ổn thị trường?
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàn: Trước tiên phải tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, chỉ đạo của tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, cơ quan chức năng cần tổ chức tốt kênh thông tin để dự báo tình hình và chủ động nắm được việc giá cả và cung cầu hàng hóa, lượng hàng hóa dự trữ của các đơn vị kinh doanh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, như: Gạo, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng, than, muối... phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để kịp thời có biện pháp đối phó, xử lý. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng, như: Pháo các loại, rượu ngoại, bia, đường kính, thuốc lá, vũ khí, động vật quý hiếm, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, tiền giả; chống xuất lậu than, các loại quặng, gỗ quý hiếm... Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết, như: Bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, hoa quả, lương thực, thực phẩm...
P.V: Như vậy, sự vào cuộc để bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán không hẳn chỉ có lực lượng Quản lý thị trường?
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàn: Đúng như vậy, đấu tranh chống buôn lậu hàng giả và kinh doanh trái phép đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các thành viên trong Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh; Ban Chỉ đạo 127 các huyện, thành phố, thị xã; sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia của nhân dân. Chúng tôi rất mong quần chúng nhân dân tích cực phát giác những hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh báo với các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.