Tôn vinh cây chè xứ Thái

09:01, 27/11/2009

Thái Nguyên là địa phương có đặc sản chè búp hay còn gọi là chè mạn nổi tiếng. Chè Thái nổi tiếng bởi chất lượng thơm ngon đặc biệt riêng có của những búp chè xanh nơi đây. Mặc dù vậy, thương hiệu chè Thái Nguyên chưa có chiến lược quảng bá dài hơi với quy mô lớn và thực sự hiệu quả cho cây trồng được xác định là chủ lực trong xoá đói, giảm nghèo và làm giàu này.

 

Người dân trong cả nước thường hay lưu truyền câu nói "Chè Thái, gái Tuyên" để chỉ sự nổi tiếng của vùng chè Thái Nguyên. Thế nhưng, khi nói đến chè Thái, người dân cả nước cũng chỉ nghĩ về một vùng chè nổi tiếng của tỉnh là Tân Cương mà thôi. Đối với các vùng chè khác, chất lượng sản phẩm phải nói là không thua kém chè Tân Cương nhưng ít khi hoặc chưa bao giờ được nhắc tới như chè Trại Cài (Minh Lập - Đồng Hỷ), chè La Bằng (xã La Bằng - Đại Từ). Chúng tôi đến vùng chè Trại Cài khi người dân nơi đây đang tích cực chăm sóc để bước vào một vụ thu hoạch được kỳ vọng là mang lại giá trị kinh tế cao, đó là làm chè đông.

 

Thời tiết khô hanh, nhưng nhìn những đồi chè xanh non đến mát mắt chúng tôi hiểu đã có biết bao mồ hôi, công sức của bà con đổ xuống đây. Thế nhưng, khi trao đổi cùng chúng tôi đồng chí Nguyễn Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lập vẫn ngậm ngùi: "Người dân giàu lên từ cây chè ở xã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù diện tích chè cao hơn trồng lúa nhưng thu nhập của bà con vẫn chỉ đủ ăn, đủ tiêu. Sản phẩm làm ra chủ yếu mang ra chợ bán cho tư thương theo phương thức tự sản, tự tiêu. Bản thân xã, huyện chưa đủ sức để có thể quảng bá, xây dựng thương hiệu cho cây chè ở địa phương".

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn xã Minh Lập hiện có 460 ha chè canh tác (diện tích gieo cấy chỉ có 197 ha), chủ yếu là giống chè trung du. Diện tích trồng chè cành không đáng kể. Mặc dù sản lượng chè ở đây là tương đối lớn đạt khoảng 5-7 tấn chè búp khô giao dịch/phiên chợ. Sản lượng chè búp tươi của cả xã đạt khoảng 4.200 tấn chè búp tươi/năm. Nhưng giá trị kinh tế chưa cao, trung bình ở thời điểm này từ 55-70 nghìn đồng/kg chè búp khô. Sản phẩm chủ yếu bán tại chợ Trại Cài. 1 tháng có 12 phiên chợ. Trên địa bàn xã tuy có 2 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã sản xuất chế biến chè, nhưng với giá mua chè búp tươi thấp, nên bà con chủ yếu tự sao và bán. Theo bác Phạm Hùng Vinh, Chủ nhiệm HTX chè Hương Trà (Minh Lập): "Bản thân tôi luôn trăn trở cho vấn đề xây dựng thương hiệu cây chè Trại Cài. Nhưng phải mãi đến khi được dự chương trình tập huấn của Tổ chức Tây Ban Nha về xây dựng thương hiệu, tôi càng thấu hiểu nếu không xây dựng được thương hiệu thì giá trị kinh tế của sản phẩm rất thấp, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường này. Vì thế, sau khi tập huấn, tôi đã về vận động thành lập HTX với 10 hộ xã viên tham gia. Bước đầu đã tuyên truyền để các xã viên đổi mới phương thức chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật, cải tạo nhà xưởng sản xuất đảm bảo an toàn, vệ sinh. Chúng tôi đã in tên HTX cho vào túi chè để bán, nhưng vẫn chưa thể tự quảng bá cho sản phẩm của mình để có khách hàng thường xuyên đến đặt mua. Phần lớn xã viên vẫn phải mang chè khô ra chợ để bán".

 

Với xã La Bằng thì tình trạng cũng tương tự. Bà con cũng chủ yếu bán chè búp khô cho các tư thương thu mua. Hiện chỉ có chè Tân Cương Thái Nguyên là được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Như đã nói ở trên, việc quảng bá cho thương hiệu của các vùng chè nổi tiếng của tỉnh từ trước tới nay hầu như chưa có một cơ quan nào đứng ra tổ chức làm. Thế nhưng, cách đây không lâu, Đài PT-TH Thái Nguyên chính thức tổ chức họp báo để tuyên truyền xây dựng chương trình truyền hình trực tiếp "Ngày hội Chè Thái Nguyên". Theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào 8h30 ngày 28/11 tại xã La Bằng, phát trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4 và TN1, TN2. Tại ngày hội này sẽ có 3 vùng chè là Tân Cương, Trại Cài và La Bằng thi tài. Vậy xuất phát từ đâu mà một cơ quan truyền thông lại đứng ra làm việc này?. Theo đồng chí Phan Hữu Minh, Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên: Một cơ quan truyền thông đứng ra tổ chức một lễ hội vừa có màu sắc kinh tế vừa có màu sắc văn hoá, tôn vinh một sản phẩm có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của báo chí. Hơn nữa, tiếng thơm về đất và người Thái Nguyên, về chè Thái đã có từ lâu, nhưng để tổ chức một ngày hội thực sự thì hầu như chưa ai làm. Đài PT-TH Thái Nguyên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (đặc biệt VTV4) tổ chức chương trình chính là nhằm quản bá rộng rãi chè Thái không những trong nước mà còn ra thế giới. Chương trình được tổ chức tại La Bằng (Đại Từ) rõ ràng là có ý tưởng của tác giả kịch bản, những người tổ chức chương trình. Lý do: Tân Cương thì đã có tên tuổi. Tuy nhiên, còn nhiều làng chè nổi tiếng như Trại Cài, La Bằng chưa được nhiều người biết đến, để tôn vinh họ, đảm bảo công bằng, vừa là đưa thông tin đại chúng về vùng sâu, vùng xa. Chương trình được tổ chức vào mùa Đông mới mong muốn mở đầu cho một mùa xuân mới rộn ràng hơn, hơn nữa cũng là dịp khẳng định giá trị canh tác trên 1ha gieo trồng cao hay thấp là do trình độ kỹ thuật, bởi La Bằng là nơi có kinh nghiệm làm chè đông, nên tổ chức ở đây cũng là dịp giới thiệu về kỹ thuật cho tất cả các vùng chè.

 

Hình thức của Chương trình "Ngày hội Chè Thái Nguyên" được thể hiện dưới dạng chương trình nghệ thuật tạp kĩ, đồng thời là một chương trình trò chơi truyền hình sôi nổi nhằm giới thiệu những nét đặc trưng nhất của cây chè, của các làng chè, cũng như những công đoạn trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm này. Chương trình tạo cảnh quan và nội dung mô tả lại không khí của làng chè trong những ngày chính vụ rộn ràng với tấp nập người hái chè, vò chè, sao chè, thưởng thức hay nhộn nhịp bán mua. Ở đó cũng vang lên những lời ca, tiếng hát cao ngợi cây chè, người trồng và làm chè. Qua đó, nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị, chất lượng cây chè Thái Nguyên, cũng như các nghệ nhân và đặc biệt là các vùng chè nổi tiếng của tỉnh.