Xuất khẩu – nghịch lý “lượng tăng, giá giảm”?

09:28, 21/11/2009

Sản xuất nông nghiệp muốn đạt được có hiệu quả cao thì giải pháp quan trọng là phải nâng tỷ lệ hàng hóa đã qua chế biến để tăng giá  trị và giá bán sản phẩm, và quan trọng hơn là phải làm chủ được quá trình gia tăng giá trị của sản phẩm.

 

Gần đây nhiều kết quả xuất khẩu nông sản công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn kèm theo thông tin“tăng về lượng hàng nhưng giảm về giá xuất”. Phía sau thông tin những tưởng đơn giản này lại chứa đựng nhiều điều đáng lo lắng và suy ngẫm. Đó là những thiệt thòi của người nông dân, là những thua thiệt của nhiều doanh nghiệp trên thương trường và cuối cùng là những thiệt hại của nền kinh tế. Vậy liệu có thể cải thiện nghịch lý  này?

 

Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam trong một cuộc hội thảo của các doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi cho biết, người tiêu dùng Nam Phi thường xuyên dùng gạo của Việt Nam và nhiều loại hàng hóa công nghiệp, nội thất khác, song hầu như rất ít người biết đấy là hàng Việt Nam vì những hàng hóa này đều phải nhập khẩu qua trung gian Singapore và Hồng Kông nên mang nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp nhập khẩu.

 

Thực tế, hàng loạt nông sản của nước ta hiện nay vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Cà phê Việt Nam xuất khẩu nhiều tới mức có thể làm thay đổi giá cà phê quốc tế, nhưng luôn chỉ bán được ở giá thấp. Chè Việt Nam ít có tên tuổi trên thế giới bởi hầu hết xuất đi dưới dạng chè nguyên liệu. Các doanh nghiệp Nga, Ấn Độ… nhập khẩu chè Việt Nam về chế biến thành sản phẩm mang thương hiệu của doanh nghiệp Nga và Ấn Độ. Theo số liệu do một nhà ngoại giao Nhật Bản cung cấp đã được công bố trên báo chí Việt Nam, năm 2008 Nhật Bản nhập khẩu từ Việt Nam 45.500 tấn tôm đông lạnh, 55.000 tấn cà phê, 7.500 tấn rau và nhiều nông sản, hải sản khác. Thế nhưng chính nhà ngoại giao này cũng cho biết trên thị trường Nhật, hầu như không có tên tuổi các sản phẩm này của Việt Nam. Đó là vì hàng hóa nông lâm thủy sản rau quả này vào thị trường Nhật luôn ở dạng nguyên liệu thô (đương nhiên với giá thấp). Sau đó các nguyên liệu thô này được chế biến tinh thành các đặc sản của Nhật với giá bán cao hơn gấp nhiều lần giá nhập khẩu ban đầu. Ai cũng biết chuyện hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam có thể hiện diện trên các kệ hàng trong siêu thị của Nhật là điều rất khó. Mà đấy mới chính là điểm cốt yếu tạo nên giá trị gia tăng của nông sản  xuất khẩu, mới đem lại lợi nhuận như mong muốn.

 

Theo tính toán của Tổ chức OXFARM, trong tổng lợi nhuận của một cốc cà phê bán đến tay người tiêu dùng châu Âu, người nông dân chỉ nhận được 8%, số còn lại thuộc về doanh nghiệp rang xay, chế biến.

 

Theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Trường Đại học Cần Thơ về chuỗi giá trị cá tra ở ĐBSCL, trong tổng lợi nhuận thu được từ con cá nổi tiếng của ĐBSCL, người nuôi cá thu được 19,4%, thương lái thu được 2,1%, và 78,5% còn lại hoàn toàn thuộc về công ty chế biến và kinh doanh xuất khẩu.

 

Hai ví dụ rất tiêu biểu này cho thấy sản xuất nông nghiệp muốn đạt được có hiệu quả cao thì giải pháp quan trọng là phải nâng tỷ lệ hàng hóa đã qua chế biến để tăng giá trị và giá bán sản phẩm, và quan trọng hơn là phải làm chủ được quá trình gia tăng giá trị của sản phẩm. Hai ví dụ này cũng cho thấy các công ty trong nước hoàn toàn có thể tăng tỷ trọng hàng hóa đã qua chế biến trước khi xuất khẩu. Hay nói cách khác cần phải giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Phải đầu tư đúng mức cho khâu chế biến, thiết thực nhất là thiết bị, công nghệ chế biến.

 

Mức đầu tư trung bình cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp nước ta vào thời điểm ta gia nhập WTO chỉ khoảng 0,2% – 0,3% tổng doanh thu, nay đã tăng thêm chút ít nhưng vẫn quá ít ỏi nếu so với tỷ lệ đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ là 5% và Hàn Quốc là 10%. So sánh các số liệu này thấy quả là đáng ngại cho hạt lúa, con tôm con cá và hàng hóa xuất khẩu của chúng ta. Nhưng không thể chỉ nhìn vậy, chỉ thấy lo ngại mà cải thiện được tình hình. Quan trọng là phải ứng dụng các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này vào trong thực tế.

 

Chính phủ đã liên tục có các chính sách khuyến khích mua sắm và khuyến khích phát triển máy móc thiết bị công nghệ. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cho tổ chức, cá nhân mua bằng sáng chế các loại máy móc có khả năng áp dụng rộng rãi trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Các tổ chức cá nhân thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực này thì được hỗ trợ một nửa chi phí chuyển giao công nghệ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Người nông dân còn được hỗ trợ cả vốn vay lẫn lãi suất vay vốn để mua sắm thiết bị sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản. Chính phủ chỉ đạo, đối với lương thực là lúa và ngô, phải tập trung vào cải thiện các khâu đang có mức tổn thất lớn, phải tăng nhanh tỷ lệ cơ khí hoá kết hợp với ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến, xây dựng hệ thống kho chứa thóc gạo có sức chứa 4 triệu tấn, phấn đấu có một nửa diện tích lúa được thu hoạch bằng máy. Và rất nhiều chính sách khác nữa.

 

Thế nhưng cũng cần phải nhắc đến một yếu tố quan trọng là muốn tăng tỷ lệ nông sản đã qua chế biến và tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu phải tính toán hợp lý để cân đối, hài hòa lợi ích của các bên liên quan trong chuỗi sản xuất kinh doanh. Thực tế lâu nay mối quan hệ này ít xử lý để đạt được mục tiêu này. Người nông dân thường thiếu chủ động và luôn phải nhận về phần thiệt thòi hơn. Họ sản xuất rồi bán nông sản cho thương lái hay doanh nghiệp với giá cả và tiến độ phụ thuộc vào người mua. Thế nhưng cũng nhiều trường hợp chính người nông dân lại găm hàng, lên giá, làm khó  khiến doanh nghiệp lao đao vì thiếu nguyên liệu cho chế biến, bị bạn hàng phạt vì giao hàng không đúng tiến độ và còn lỡ mất các hợp đồng xuất khẩu mới. Cách ứng xử như vậy lâu nay thường xảy ra với lúa, cá, tôm, mía và nhiều nông sản khác. Liên kết giữa 4 nhà (nhà nông –sản xuất, nhà doanh nghiệp - tiêu thụ, nhà khoa học - giải pháp giống và công nghệ, nhà nước - quản lý) dường như chỉ được nhắc đến nhiều chứ ít được áp dụng nghiêm túc, đầy đủ vào thực tế.