Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt ”bão”

07:49, 13/11/2009

 Trong bối cảnh kinh tế cả nước, đặc biệt là xuất khẩu phải đối mặt gay gắt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của cả nước giảm khoảng 13,8% so với năm 2008 thì việc tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã minh chứng sức sống của nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam đủ sức vượt qua “bão” suy giảm, thiên tai, dịch bệnh...

 

Trong một cuộc họp về nông nghiệp, nông thôn ngày 11/11 tại Hà Nội, Bộ NNPTNT phát đi một tín hiệu rất khả quan từ lĩnh vực được coi là còn nhiều khó khăn nhất của nền kinh tế: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong năm 2009 ước đạt hơn 15,2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 14 tỷ USD Chính phủ đề ra và  vượt xa ngưỡng xấu nhất mà các chuyên gia dự báo hồi đầu năm là 11 tỷ USD.

 

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, dự báo lạc quan này dựa trên cơ sở kinh tế thế giới đang dần hồi phục, nhu cầu phục vụ lễ hội những tháng cuối năm và năm 2010 của các nước tăng cao, kỳ vọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sẽ tăng khá về lượng.

 

Các mặt hàng chủ lực tăng trưởng mạnh

 

Trong khó khăn chồng chất của năm 2009, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam lại có lượng xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái như hạt tiêu tăng tới 49%, gạo tăng 36%, cà phê tăng 16,8%, chè tăng gần 23%. Đến hết tháng 10, cả nước xuất khẩu 5,3 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 2,1 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2008.

 

Theo dự báo của Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong 4 tháng còn lại của năm 2009, xuất khẩu cà phê có thể đạt 494 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm mặt hàng này lên 1,6 tỷ USD.

 

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản trong tháng 10 ước đạt 450 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của 10 tháng năm 2009 lên 3,488 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, những tháng cuối năm có nhiều tín hiệu tích cực, nếu khai thác tốt thị trường thì cả năm có thể đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD.

 

Trong khi đó, từ năm 2006 đến nay, cao su trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, gia nhập câu lạc bộ 1 tỷ USD. Hiện cao su Việt Nam đã xuất sang 70 nước trên thế giới, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 60% - 65% sản lượng.  Những ngày gần đây giá xuất khẩu cao su liên tục tăng từ 1.900 USD đến 2.050 USD/tấn, mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay. Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định, với tình hình khả quan như hiện nay, nhiều khả năng xuất khẩu cao su năm 2009 sẽ đạt từ 1- 1,1 tỷ USD.

 

Cần tận dụng mọi cơ hội

 

Trước những dự báo mà các doanh nghiệp, chuyên gia đưa ra, lãnh đạo Bộ NNPTNT cho rằng, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2009 vẫn còn nhiều tín hiệu khả quan nên cần tiếp tục duy trì sản lượng lúa gạo, cà phê, rau quả, thuỷ sản... gắn liền với việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành thông qua việc sử dụng giống cây - con tốt; kiểm soát chặt chẽ chất lượng cũng như giá cả đầu vào; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật.  Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua lãi suất vay vốn tín dụng, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, đồng thời đẩy nhanh đề án xây dựng các kho dự trữ lúa gạo, thuỷ sản.

 

Một trong những vấn đề lo ngại của ngành Nông nghiệp hiện nay là xuất khẩu thuỷ sản do thị trường xuất khẩu không ổn định, thường xuyên bị kiện chống bán phá giá, có sản phẩm tồn dư lượng kháng sinh cao. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng thuỷ sản cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn so với lúa gạo, bởi thuỷ sản có tới hơn 80 mặt hàng và cần tập trung vào một số thị trường ổn định. Hiện, Hiệp hội đã đề nghị một số giải pháp chính nhằm đẩy mạnh xuất khẩu như nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là với 2 nhóm tôm và cá (đạt 3,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2008), giảm giá thức ăn chăn nuôi và đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi, đảm bảo nguồn giống sạch bệnh. Đồng thời cần có cơ chế quản lý theo định hướng giá sàn xuất khẩu và giá hướng dẫn thu mua nguyên liệu, đặc biệt là mặt hàng cá tra.

 

Hiện tại nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản của các nước Nga, Ukraine, Đức, Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Ai Cập vẫn còn rất lớn, nhất là đối với các mặt hàng cà phê, điều, tiêu, thủy sản, quế, hồi, chè và gạo. Trong khi đó, một số mặt hàng còn lượng dự trữ khá lớn và đang trong vụ thu hoạch như cà phê, cao su... cũng là điều kiện thuận lợi về nguồn cung cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Bởi vậy, ngoài các giải pháp chung như kiểm soát chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới, kích cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng cần có các biện pháp cụ thể đối với từng mặt hàng chủ lực như tập trung điều tiết giá gạo bằng cách mở thêm các thị trường mới, giảm thuế xuất khẩu từ gỗ rừng trồng và gỗ vườn nhà xuống 0%.

 

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong những năm qua đã được mở rộng đáng kể. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN, Nga, các nước Đông Âu, hàng hóa nông sản Việt Nam  bước đầu đã thâm nhập vào những thị trường đầy tiềm năng và cũng rất khó tính như EU, Mỹ... Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu chúng ta biết “nuôi dưỡng” thị trường truyền thống và “đột phá vùng đất mới” bằng việc khẳng định thương hiệu thì xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ gặt hái được những thành công đáng kể.