Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản:Nhiều cơ hội bứt phá

08:45, 14/11/2009

Mặc dù gặp không ít khó khăn do nền kinh tế thế giới suy giảm hồi đầu năm, nhưng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của cả nước sẽ có nhiều cơ hội bứt phá trong những tháng cuối năm.

 

Đây là nhận định của Bộ NN&PTNT đưa ra tại cuộc họp giao ban về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản diễn ra ngày 11-11. Theo Bộ NN&PTNT, giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này có thể chạm ngưỡng 15,23 tỷ USD, vượt kế hoạch năm.

 

Xuất khẩu gạo "ghi điểm"

 

Sau những nỗ lực về xuất khẩu và tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, tính đến thời điểm đầu tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước đã đạt mốc 12,674 tỷ USD. Trong số các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thì xuất khẩu gạo đạt 5,4 triệu tấn, đạt kim ngạch trên 2,4 tỷ USD. Sở dĩ các hợp đồng xuất khẩu gạo tăng nhanh là do nhu cầu nhập khẩu lương thực của các nước Trung Đông và châu Phi tăng cao. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo sang châu Phi, tăng 98% và 250.000 tấn gạo sang Trung Đông, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng, do nhu cầu nhập khẩu của các nước thế giới đang tăng, nhất là Phi-líp-pin, nên mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm 2009 của Việt Nam là trong tầm tay.

 

Trái với thị trường xuất khẩu gạo sôi động, các mặt hàng như cà phê, cao su, hạt điều khá ảm đạm, tuy lượng có tăng nhưng giá lại giảm. Trong 10 tháng qua, lượng cà phê xuất khẩu cả nước đạt 938.000 tấn, tăng gần 17%, nhưng giá trị kim ngạch chỉ thu về gần 1,4 tỷ USD, giảm trên 17% giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, từ đầu năm đến nay, nước ta cứ xuất 1 tấn cà phê bị mất khoảng 613 USD vì giá giảm. Điều đáng nói là khả năng chi phối về giá còn yếu kém, nhiều khi xuất khẩu của ta còn bị các đối tác nhập khẩu ép giá. Đối với ngành thủy sản, mặc dù Việt Nam đã xuất khẩu đến 155 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng cũng đạt ngưỡng gần 3,5 tỷ USD, nhưng lại giảm tới 9% giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thủy sản ở nước ta còn phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, bởi riêng 3 thị trường này đã chiếm 60,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

 

Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên mối liên kết giữa các doanh nghiệp lỏng lẻo là nguyên nhân khiến nông, lâm, thủy sản gặp khó trên thị trường xuất khẩu. Mặt khác, đã có nhiều doanh nghiệp mong muốn nhanh thu hồi vốn hoặc chỉ vì chút lợi ích cá nhân, dẫn tới tình trạng bán tháo, cung vượt quá cầu, chất lượng sản phẩm không ổn định, gây tác động xấu đến thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

 

Cần sự liên kết giữa các hiệp hội - doanh nghiệp

 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, những tháng cuối năm nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 15,23 tỷ USD, vượt qua ngưỡng 14 tỷ USD như Chính phủ đã đề ra hồi đầu năm nay. Bởi lẽ, gần đây, dấu hiệu khôi phục kinh tế đã bắt đầu rõ nét, thể hiện qua việc nhiều nước như Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, khu vực Trung Đông, Ucraina, Đức, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ai Cập... đang có nhu cầu nhập khẩu rất lớn, nhất là các mặt hàng cà phê, điều, tiêu, thủy sản, quế, hoa hồi, chè và gạo. Ông Phan Hữu Đễ, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng: "Cơ hội xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ nay đến cuối năm có nhiều triển vọng tốt. Điều quan trọng lúc này là chúng ta phải giữ ổn định được giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu dài hơi, không nên thả nổi cho các doanh nghiệp, làm như vậy khó có thể kéo giá xuất khẩu lên được". Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): "Đối với mặt hàng cá tra, cần có biện pháp tính toán giá sàn phù hợp, đồng thời rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này, vì trong số gần 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, chỉ có 100 doanh nghiệp chế biến, còn lại là các doanh nghiệp thương mại, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá ở các thị trường tiềm năng". Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đánh giá: "Vấn đề nổi cộm từ nay đến cuối năm là chúng ta phải khắc phục tình trạng suy giảm giá ở một số thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản".

 

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới đề nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành có liên quan thực hiện việc liên kết, quy tụ các hiệp hội và doanh nghiệp bàn biện pháp giải quyết những tồn tại, vướng mắc, tạo sự đồng thuận và cơ hội bứt phá trong lĩnh vực này.