Năm 2010, sản lượng cá tra nguyên liệu của vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu đạt 1,5 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 600 ngàn tấn, tiêu thụ nội địa 100 ngàn tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 20 vạn lao động.
Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những nội dung nổi bật bao gồm việc hoạch định lại vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cách thức xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất, xây dựng hệ thống thống kê và dự báo về tình hình sản xuất, tiêu thụ...
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án này vào khoảng 1.340 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2009-2015 cần 800 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 cần 540 tỷ đồng.
Quy hoạch nuôi cá tra chủ yếu ven sông Tiền và sông Hậu
Theo quy hoạch, việc nuôi cá tra phát triển chủ yếu ở khu vực ven sông Tiền và sông Hậu gồm các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp với diện tích tối đa năm 2015 là 11 ngàn ha và năm 2020 là 13 ngàn ha.
Để tránh tình trạng nuôi cá tra manh mún, nhỏ lẻ, các cơ sở nuôi cá tra mới sẽ có quy mô 10 ha trở lên và phải nằm trong vùng sản xuất quy hoạch. Khuyến khích hình thành cơ sở chế biến cá tra tại các vùng nuôi theo quy hoạch hoặc các trung tâm nghề cá của địa phương, bảo đảm phát triển sản xuất đi đôi với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đề án có kế hoạch tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo mô hình quản lý cộng đồng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể như Hợp tác xã, Tổ hợp tác. Và yếu tố quan trọng là thực hiện nguyên tắc nhà máy chế biến phải có vùng nguyên liệu, có trách nhiệm ký kết và thực hiện hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định.
Cấp chứng nhận đối với tất cả sản phẩm cá tra
Đến năm 2015, vùng đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành việc thay thế toàn bộ giống cá tra, bảo đảm giống có chất lượng cao, sạch bệnh.
Các cơ sở sản xuất thức ăn, thuốc thú y dành nuôi cá phải thực hiện công bố chất lượng sản phẩm, ghi nhãn bao bì đầy đủ trên sản phẩm của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm của mình đã công bố. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và cấp Giấy chứng nhận đối với tất cả các sản phẩm cá tra xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đưa cá tra thành mũi nhọn xuất khẩu thủy sản
Có thể nói cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu có thế mạnh của Việt
Để nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp của sản phẩm mũi nhọn cá tra, tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ NNPTNT làm Trưởng ban.
Năm nay, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã đưa ra dự báo xuất khẩu cá tra vào khoảng 1,3 tỷ USD, thấp hơn so với kim ngạch 1,48 tỉ USD trong năm ngoái. Hiện nay thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá Việt Nam chưa có sự liên kết chặt chẽ nên thường xảy ra tình trạng tự “phá giá”, gây tổn thất cho người nuôi cá, doanh nghiệp và thất thu cho nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chỉ mải mê xuất khẩu mà bỏ quên đi thị trường đầy tiềm năng trong nước.
Bởi vậy, Đề án trên sẽ là động lực đổi mới, nâng cao cách thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, hạn chế việc sản xuất theo kiểu đại trà, thời vụ và thu mua nguyên liệu thất thường như hiện nay. Đồng thời góp phần quan trọng nâng tính chuyên nghiệp của nhà sản xuất, cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa loại sản phẩm này, tránh tình trạng không có hợp đồng xuất khẩu là coi như thua lỗ cả vụ cá.