Từ đầu tháng 12 đến nay, do ảnh hưởng mặt bằng chung của giá hàng hóa thế giới, điều chỉnh tỷ giá USD và sức mua trong nước có dấu hiệu tăng nhiệt vào những tháng cuối năm, giá nhiều mặt hàng nội và ngoại nhập bắt đầu "nóng" lên, khiến nhiều người lo ngại giá cả cuối năm sẽ liên tục "leo thang".
Giá cả "nóng" theo quy luật thị trường
Từ đầu tháng 12 đến nay, nhiều mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm liên tục "đội" giá. Ô tô là một trong những mặt hàng có diễn biến giá cả "nóng" nhất khi nhiều loại đã tăng từ 15-90 triệu đồng/xe. Giá một số loại xe tay ga nhập khẩu nguyên chiếc dòng Piaggio, P/S, SH… cũng tăng 500.000 - 2 triệu đồng/xe. Các loại phụ tùng, linh kiện máy vi tính, xe gắn máy cũng tăng giá nhẹ. Giá thép từ cuối tháng 11 đã tăng 50.000 - 100.000 đồng/tấn do cầu tăng trở lại, biến động tỷ giá ngoại tệ và điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã tác động tới chi phí đầu vào. Giá gas lập kỷ lục tăng giá nhanh và mạnh nhất khi chỉ trong tháng 11 vừa qua đã lên giá 3 lần, với tổng mức tăng lên đến 40.000 đồng/bình 12kg. Giá lúa gạo vẫn tăng mạnh theo biến động từ các tỉnh phía
Theo Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương), giá hàng hóa, dịch vụ, nhất là hàng tiêu dùng có xu hướng tăng vào tháng cuối năm. Hiện trên thị trường Hà Nội, nhiều hàng hóa đã được áp dụng mức giá mới, cụ thể: dầu ăn Simple,
Khảo sát tại một số chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh, khá nhiều mặt hàng, nhất là các mặt hàng nhập khẩu, đã vào đợt tăng giá do ảnh hưởng bởi nguyên liệu nhập khẩu và giá đường tăng. Nhiều hãng sữa trong nước đã công bố điều chỉnh giá các sản phẩm thêm 5-6%. Một số công ty bánh kẹo đã thông báo tăng giá một số mặt hàng thêm 5%-10%. Do tác động của tỷ giá USD, nhiều hàng nhập khẩu làm nguyên liệu, như đường, gạo diễn biến thất thường, nên nhìn chung tiểu thương ở các chợ hầu như không dám dự trữ hàng như những năm trước đây.
Nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá trên thị trường hiện nay chủ yếu là do sức mua trên thị trường sẽ tăng cao theo quy luật thông thường các năm và do nhu cầu mua hàng hóa dự trữ và phục vụ Tết. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND tác động tới nhiều loại hàng hóa nhập khẩu hoặc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh một số vật tư, hàng hóa quan trọng, như xăng dầu, than, nước sạch cho sinh hoạt... đã điều chỉnh tăng giá bán. Ngoài ra, từ ngày 1-12, lãi suất cơ bản đã tăng từ 7% lên 8%/năm cũng tác động tới lãi suất huy động và cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vay vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ở mức cao khiến cung tiền tạo thêm sức ép đối với giá cả và lạm phát...
Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo mức tăng CPI trong năm nay vào khoảng 7-8% so với năm 2008 và riêng trong tháng 12, mức tăng của chỉ số CPI sẽ là 2-3%, cao hơn nhiều so với tháng 11 (0,55%).
Doanh nghiệp phải giải trình chi tiết giá đầu vào
Mặc dù giá cả về cuối năm đang có dấu hiệu nóng lên, nhiều chuyên gia đều thống nhất cho rằng mức tăng giá trên thị trường vẫn trong vòng kiểm soát. Hiện tại, các cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc nhằm bình ổn giá cả dịp cuối năm. Tổ điều hành thị trường trong nước đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn việc tăng giá quá mức. Riêng về mặt hàng lúa gạo, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành đang tích cực triển khai các biện pháp chủ động ứng phó khi thị trường lương thực có biến động bất thường nên giá lúa gạo thời gian tới sẽ được giữ ổn định. Sữa, thép, thuốc chữa bệnh... là những nhóm mặt hàng thiết yếu sẽ không thể tăng giá tùy tiện như thời gian qua. Theo Thông tư 227 về quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá vừa được Bộ Tài chính ban hành, bắt đầu từ ngày 12-1-2010, tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên 30 nhóm mặt hàng, như thuốc chữa bệnh, xăng, dầu, xi măng, thép xây dựng, gạo, đường, sữa các loại... sẽ phải đăng ký giá. Doanh nghiệp sẽ phải có một bản giải trình chi tiết giá đầu vào: thuế nhập khẩu, giá nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí vận chuyển, lợi nhuận dự kiến, giá bán... gửi cơ quan chức năng. Các sở tài chính địa phương sẽ kiểm soát chặt chẽ giá đăng ký, kê khai và việc thực hiện bán theo giá đăng ký và niêm yết.
Bình ổn giá dịp Tết
Các địa phương cũng đang khẩn trương đề ra những biện pháp bình ổn giá cả. UBND thành phố Hà Nội quyết định trích 250 tỷ đồng từ Quỹ Dự trữ tài chính thành phố để tạm ứng cho các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Canh Dần với lãi suất 0%. Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, như gạo, bánh mứt, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm... đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối trong dịp Tết. Các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước cũng đã sẵn sàng dự trữ các mặt hàng, như gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản, hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường và bánh kẹo... để phục vụ Tết Nguyên đán.
Theo Bộ Tài chính, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% trong năm 2009 chắc chắn sẽ đạt được và chúng ta hoàn toàn chủ động trước những diễn biến giá cả trên thị trường.