Hướng phát triển kinh tế mới ở Đồng Luông

14:37, 06/12/2009

Để chủ động vươn lên thoát nghèo, 56 hộ dân xóm Đồng Luông, xã Tân Long, Đồng Hỷ đã tự nguyện hiến gần 4.800 m2 đất để mở rộng đường liên xóm, liên xã; 100% hộ dân đã cử người tham gia tu sửa, mở rộng đường giao thông của xóm để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện hơn…

 

n  tượng đầu tiên khi chúng tôi đến Đồng Luông, xã Tân Long (Đồng Hỷ) là những khuôn mặt thuần phác với cử chỉ thân thiện của người dân nơi đây. Chị Lê Thị Trinh, một người dân trong xóm nói chuyện với chúng tôi như đã quen từ lâu lắm. Chị bảo: Mấy năm nay, nhờ đưa cây ngô lai vào trồng nên người dân chúng tôi đã có thêm thu nhập nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn lắm

 

Bao năm nay, người Đồng Luông luôn sống đoàn kết, có ý thức xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình… nhưng cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, xóm có 126 hộ dân (chủ yếu là đồng bào người dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí…) thì có tới 99 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 300 kg thóc/người/năm. Theo anh Dương Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã thì cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn là bởi đường giao thông trong xóm đi lại không thuận tiện, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, việc canh tác phụ thuộc chủ yếu vào nước trời… Vì vậy, 50 ha ruộng cấy lúa 2 vụ và 30 ha trồng cây màu của xóm cho thu nhập không cao. Hầu hết các hộ đều cấy giống lúa Khang dân nên năng suất lúa chỉ đạt khoảng 40 đến 45 tạ/ha. Trong chăn nuôi, bà con cũng không đầu tư quy mô lớn mà nuôi để cải thiện bữa ăn gia đình, trung bình mỗi hộ chỉ nuôi khoảng 10 -15 con gà, 1-2 con lợn/lứa…

 

Để chủ động vươn lên thoát nghèo, 56 hộ dân xóm Đồng Luông xã Tân Long, Đồng Hỷ đã tự nguyện hiến gần 4.800 m2 đất để mở rộng đường liên xóm, liên xã; 100% hộ dân đã cử người tham gia tu sửa, mở rộng đường giao thông của xóm để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện hơn… Năm 2009, người dân Đồng Luông đã còn được hỗ trợ cây vốn, con, giống… phát triển sản xuất theo Chương trình 135. Khó khăn do thiếu vốn cũng đã được giải quyết phần nào. Điều đáng nói là 20 hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy cày để phục vụ cho việc làm đất, góp phần tăng năng suất lao động, gieo trồng cây lúa, cây màu kịp thời vụ. Nhiều hộ dân đã đưa giống ngô lai NK 4300 vào gieo trồng thay cho giống ngô địa phương năng suất thấp. Bà Trần Thị Hữu cho biết: Gia đình tôi trồng giống ngô lai này đã 3, 4 năm nay. Vụ thu - đông năm nay, gia đình trồng 4 sào, tăng hơn những năm trước 2 sào, năng suất đạt 3 đến 4 tạ/sào, cao gấp đôi so với giống ngô địa phương. Gia đình chị Lê Thị Trinh cũng trồng 5 sào ngô lai giống NK 4300. Chị nói: Cây ngô lai rất phù hợp với vùng đất thiếu nước tưới như Đồng Luông vì nhiều diện tích đất canh tác ở đây phải phụ thuộc vào nước trời. Ngô lai sản xuất ra không chỉ phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong gia đình mà còn rất dễ tiêu thụ. Đây là loại cây trồng có thể giúp bà con thoát nghèo.

 

Thấy được hiệu quả từ việc trồng ngô lai, đa số các hộ dân trong xóm đều đưa cây ngô lai vào trồng trong vụ đông, hộ ít trồng 1, 2 sào, hộ nhiều trồng 4, 5 sào... Có hộ đã đầu tư mua xe ô tô để vận chuyển ngô cũng như các mặt hàng nông sản khác đi tiêu thụ cho thuận tiện hơn. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì để cây ngô lai thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp người dân nơi đây thoát nghèo, chính quyền địa phương nên định hướng cho người dân trồng ngô lai theo hướng sản xuất hàng hóa.

 

Được biết, hiện nay, không chỉ ở Đồng Luông mà ở các xã, thị trấn trên địa bàn Đồng Hỷ, cây ngô lai đã được đưa vào gieo trồng trên diện rộng, diện tích ngô lai cả 3 vụ của huyện lên đến hàng nghìn héc - ta và trong thời gian tới diện tích trồng ngô lai sẽ tiếp tục tăng nhanh. Bởi vậy, để đảm bảo đầu ra ổn định cho cây ngô lai, huyện cần liên doanh, liên kết với các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bao tiêu sản phẩm cho bà con.