Để cung ứng hàng hóa cho nhân dân trong dịp Tết Canh Dần, hiện nhiều địa phương, DN và trung tâm thương mại đã thực hiện việc mua dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để "sốt" giá các mặt hàng chiến lược.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đảm bảo nguồn hàng và các Sở Công Thương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ưu tiên dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần .
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Thọ Xuân, nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dự kiến tăng khoảng 20% và tại các tỉnh vào khoảng trên 10%.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của nhân dân trong dịp Tết, hiện một số địa phương đã tạm ứng khoản tiền nhàn dỗi cho DN vay với lãi suất 0% để thu mua, dự trữ hàng hóa.
Các địa phương như Hà Nội đã tạm ứng 250 tỷ đồng hỗ trợ DN dự trữ hàng Tết, TP Hồ Chí Minh tạm ứng hơn 400 tỷ đồng và tỉnh Bình Dương là hơn 100 tỷ đồng...
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai, hiện các DN cung ứng của Hà Nội đã mua dự trữ lượng hàng khá lớn đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Đơn cử như Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội đã chuẩn bị 70 triệu lít bia rượu các loại, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội đã chuẩn bị 400 tấn sản phẩm hàng hóa.
Cùng với đó, các trung tâm thương mại, siêu thị cũng đã dự trữ đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 1.000 tỷ đồng để phục vụ nhân dân trong dịp Tết
Không để xảy ra tình trạng "sốt" giá gạo.
Bộ Công Thương ngày 7/12 đã có văn bản chỉ đạo việc cung ứng một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là gạo, đối với các đơn vị, trong đó yêu cầu rà soát kỹ nguồn cung, cầu trên nguyên tắc đảm bảo nguồn cung cho từ nay đến Tết và sau Tết để không gây "sốt" giá mặt hàng chiến lược này, đồng thời báo cáo tình hình về Bộ hàng ngày
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) Nguyễn Thọ Trí, Tổng công ty có đủ gạo để điều hòa thị trường, bởi hiện tại lượng gạo trong kho của Vinafood 2 đang ở mức 700.000 tấn.
Vừa qua, Vinafood 2 đã chỉ đạo các cửa hàng, các đơn vị thành viên từ nay đến sau Tết Canh Dần thường trực mở cửa bán hàng từ 6 h - 22 h để phục vụ người dân và bán gạo với mức giá thấp hơn 10% so với giá thị trường.
Tổng công ty cũng đã cam kết với UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ cung ứng gạo đầy đủ ở bất cứ địa bàn nào thuộc TP khi nhận được thông tin về hiện tượng "sốt" gạo, đồng thời đề nghị người dân gọi điện báo ngay cho Tổng công ty.
Còn đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho biết, hiện trong kho của Tổng công ty đang có trên 10.000 tấn gạo các loại. Với lượng gạo dự trữ dồi dào như vậy, chắc chắn trên địa bàn Hà Nội sẽ không xảy ra tình trạng thiếu lương thực, "sốt" giá gạo trong dịp Tết.
Kiểm soát chặt vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Hùng Dũng, các Chi cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, đồ chế biến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đồng thời các Chi cục có nhiệm vụ kiểm soát chặt các điểm bán gas nhằm hạn chế sang, triết gas trái phép đảm bảo an toàn cho người dân.
Một số mặt hàng cấm như pháo nổ, động vật quý hiếm cũng sẽ được tăng cường kiểm tra và xử lý mạnh bởi theo ông Dũng, về cuối năm nhu cầu mặt hàng này có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy đây sẽ là mặt hàng cũng được ưu tiên kiểm soát.
Cục cũng đã yêu cầu các Chi cục kiểm tra mạnh việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do theo Quy chế của Bộ Công Thương về quản lý địa bàn. Đây là căn cứ pháp lý cần thiết để các Chi cục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.