Làm gì để nâng cao khả năng tự vệ của thép nội?

08:45, 12/12/2009

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) VSA cho biết, từ 1/1/2009 đến nay đã có gần 630 nghìn tấn thép cuộn cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam với giá trị kim ngạch nhập khẩu trên 300 triệu USD.

 

Đây là con số nhập khẩu rất lớn bởi đã gấp hơn 2 lần lượng thép tiêu thụ của các công ty thép Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản phẩm sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp thép đã có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội thép Việt Nam  kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này.

 

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA cho biết, hiện nay các doanh nghiệp thép trong nước đang rất bức xúc trước tình trạng sản phẩm thép cuộn cán nguội dải hẹp 1,5mm x 1,6mm nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất mạnh trong thời gian qua. Đây là sản phẩm có đặc tính kỹ thuật thấp, được các doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm ống thép (ống tròn, ống vuông). Sở dĩ loại sản phẩm này được nhập khẩu tăng vọt là do giá rẻ (có thời điểm rẻ hơn thép cán nguội trong nước từ 800 nghìn-1,6 triệu đồng/tấn). Vì vậy, nếu cứ duy trì tốc độ nhập khẩu sản phẩm này như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

 

Theo tính toán, năm 2009, sức tiêu thụ tối đa sản phẩm thép cuộn cán nguội tại thị trường trong nước đạt khoảng 1,2–1,4 triệu tấn. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 54%, còn lại 46% (tương đương với 630-650 nghìn tấn) là thép nhập khẩu.

 

Hiện tại, Việt Nam đã có 6 công ty chính thức sản xuất thép cuộn cán nguội là Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Posco Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Sunsco (Đài Loan), Tấm lá Phú Mỹ, Thống Nhất với tổng công suất đạt 2,4 triệu tấn/năm. Công suất này đã gấp đôi so với nhu cầu của cả nước. Chưa kể, sắp tới, VN còn có thêm nhiều nhà máy sản xuất thép cán nguội đã được cấp phép đầu tư và đang tiến hành xây dựng với công suất hàng triệu tấn năm như China Steel - Sumitomo của Nhật Bản, Formosa của Đài Loan.

 

Trong tương lai không xa, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ rơi vào tình cảnh “một cổ hai tròng” vừa phải cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà, vừa phải “chiến đấu” với thép nhập ngoại. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là các loại thép nhập khẩu chủ yếu là thép thứ phẩm, phi tiêu chuẩn, loại khổ hẹp nên chất lượng rất kém. Trong khi, sản phẩm trong nước là thép chính phẩm, cán nguội khổ rộng, theo đúng tiêu chuẩn cơ sở nhưng do giá cao hơn nên không thể cạnh tranh nổi.

 

Hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thép cuộn cán nguội của Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc cũng như thép kém chất lượng từ Nga, mà tình trạng này còn diễn ra khá phổ biến tại một số nước khác trên thế giới. Trước tình hình này, Mỹ đã áp dụng chính sách đánh thuế đối với mặt hàng của Trung Quốc và mới đây EU cũng quyết định áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm sắt, thép ống nhập khẩu từ Trung Quốc. Riêng đối với các nước trong Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đã áp dụng hàng rào phi thuế quan để chống việc nhập khẩu hàng chất lượng kém và giá thấp từ Trung Quốc.

 

Bảo vệ thép nội bằng tiêu chuẩn Việt Nam

 

Để bảo vệ thép cuộn cán nguội trong nước, VSA đã có Công văn số 105/HHTVN gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đề xuất một số biện pháp ngăn chặn. Như đề nghị Bộ Khoa học công nghệ sớm ban hành Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về thép cuộn cán nguội và phối hợp với các Bộ ngành quản lý để ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng và phi tiêu chuẩn nhập vào Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh với loại thép cuộn cán nguội khổ rộng của các công ty sản xuất trong nước.

 

Đồng thời, rà soát lại các công ty nhập khẩu và ban hành các quy định chặt chẽ về thủ tục khai báo hải quan để tránh tình trạng nhập khẩu ồ ạt với số lượng lớn hoặc gian lận thương mại. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng không để các công ty tận dụng lãi suất ưu đãi của Ngân hàng nhập sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất được và hiện đã dư thừa, trong đó có thép cuộn cán nguội.

 

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, trong hoàn cảnh hiện nay, việc cấp giấy phép nhập khẩu là rất cần thiết nhằm ngăn chặn các nhà nhập khẩu ồ ạt trong ngắn hạn từ 1-3 tháng khi họ nhận định giá lên. Đây là rào cản chủ yếu về hành chính, theo đó, các nhà nhập khẩu phải có kế hoạch mua hàng theo quý hoặc năm và trình cho cơ quan có thẩm quyền để xin giấy phép trước 90 ngày, kê khai chủng loại, giá nhập, giá bán, các nhà máy bán thép vào Việt Nam phải có đầy đủ chứng nhận về môi trường, ISO. Hình thức cấp giấy phép này Indonesia đã áp dụng rất thành công từ 1/4/2009 đến nay.

 

VSA cũng đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hướng dẫn các công ty sản xuất cán nguội thu thập các số liệu và chứng cứ để có thể tiến hành biện pháp tự vệ mà Luật thương mại quốc tế cho phép nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép cuộn cán nguội ở Việt Nam.

 

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu bất cứ sản phẩm thép của một quốc gia nào vượt quá 3% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam của ngành hàng đó và chứng minh được sự ảnh hưởng đến sản phẩm trong nước thì đều áp dụng biện pháp tự vệ. Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu vấn đề mà các doanh nghiệp thép đang đặt ra. Song cũng phải thừa nhận rằng, nếu trước đây có một cái nhìn dài hạn về đầu tư và sản xuất thép, thì các doanh nghiệp không rơi vào tình cảnh lao đao như hiện nay. Việc đầu tư ồ ạt và luôn bị động trước sản phẩm ngoại nhập có lẽ vẫn là vấn đề không thể giải quyết một sớm, một chiều.