Sau khi đã xoay sở đủ nghề, từ bán hàng xáo, say xát gạo đến làm mì, làm đậu nhưng cuộc sống vẫn gặp khó khăn nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Cương, xóm Việt Ninh, xã Lương Phú (Phú Bình) đã quyết định theo nghề ấp trứng. Hiện, gia đình chị đang sở hữu 6 lò ấp trứng và trang trại chăn nuôi có quy mô 4-5 nghìn con gà, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Chị Cương cho biết: Năm 1999, vợ chồng tôi bắt đầu theo nghề ấp trứng. Do chưa có kinh nghiệm lại ít vốn nên lúc đó, gia đình tôi chỉ dám mua 2 máy ấp trứng và nuôi 700-800 con gà. Để có đủ trứng giống, tôi và anh Long phải thay nhau đến nhà hàng xóm mua nợ từng quả. Đến lúc xuất gà giống mới trả. Tích góp tiền lãi qua mỗi mẻ ấp, rồi qua từng năm, từ 2 máy ấp trứng, gia đình tôi đã mua thêm 4 máy nữa thì mới đủ đáp ứng nhu cầu khách đặt mua. Đàn gà cũng được chú trọng tăng dần, hiện duy trì ở mức 4-5 nghìn con. Nuôi gà vừa để lấy trứng giống, vừa để xuất bán gà thịt.
Ngoài ra, gia đình chị Cương còn đầu tư cho 1 số hộ chuyên cung cấp trứng cho mình mượn nuôi 300 con gà trống để "lấy sống". Cứ sau 2 năm, chị lại thay trống 1 lần. Chị Cương chia sẻ: Trong việc ấp trứng, yếu tố quyết định sự thành công trước hết phải có trứng giống tốt, thao tác đúng kỹ thuật, giá hợp lý và không làm nhỡ hẹn với khách; còn với việc chăn nuôi thì vệ sinh chuồng trại và phòng, chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Làm tốt những công việc này nên lượng khách hàng đến với gia đình chị ngày càng đông và chưa khi nào, trang trại của chị để xảy ra dịch bệnh. Chị đưa cho chúng tôi xem lịch phòng bệnh cho đàn gà mà lâu nay gia đình chị vẫn thực hiện. Có đến 6 loại thuốc mà theo chu kỳ, gia đình chị phải thực hiện như khuyến cáo của cơ quan chức năng, gồm: nhỏ mồm, nhỏ mắt, gum A, tiêm H5N1,
Hiện nay, mỗi tháng gia đình chị cho ấp khoảng 20-24 nghìn quả trứng. Còn vào những tháng hè, nhu cầu chăn nuôi tăng cao, lượng trứng ấp của gia đình chị tăng gấp hơn 2 lần so với hiện nay. Ngoài thị trường trong huyện, con giống của gia đình chị hiện được bán tại các tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Lào Cai. Trang trại của chị lâu nay giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng (chưa kể nuôi ăn cả ngày).