Làng Hin vươn lên làm giàu

15:16, 05/12/2009

Đến làng Hin, xã Yên Đổ (Phú Lương), chúng tôi như bị cuốn hút bởi màu xanh ngút ngàn của những đồi keo đang chuẩn bị đến kỳ cho thu hoạch; con đường nhựa qua xóm phẳng phiu, nghe đâu đó tiếng gà cục tác, tiếng lợn đòi ăn…Tất cả những âm thanh, hình ảnh đó báo hiệu một cuộc sống sung túc, no đủ của người dân nơi đây.

 

Làng Hin hiện có 122 hộ với 474 nhân khẩu. Những năm trước, số hộ có nhà xây kiên cố chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa số là nhà tranh, vách đất. Đời sống người dân làng Hin khi ấy còn nghèo, do người dân chưa mạnh dạn tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống mới vào sản xuất…

 

Trước thực tế đó, xã Yên Đổ đã tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế ở làng Hin phát triển, cụ thể như: xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh cây lúa, đưa các giống lúa mới vào sản xuất; phát triển chăn nuôi. Phối hợp với ngân hàng thông qua các tổ chức hội, tạo điều kiện cho người dân trong xóm được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi. Chỉ tính riêng trong năm 2008, số vốn vay của các hộ dân ở làng Hin tại 2 ngân hàng Chính sách - Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện là hơn 800 triệu đồng. Đặc biệt, Chi bộ làng Hin đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, chỉ đạo cụ thể, sát sao theo từng vụ, từng năm và chọn 10 đảng viên trong xóm làm gương đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất cây trồng, vật nuôi để các hộ trong xóm noi theo.

 

Nhờ những giải pháp trên, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ ở làng Hin đã có nhiều chuyển biến tích cực. 2/3 số hộ dân trong làng đã sử dụng: máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa… để tăng năng suất lao động. Cùng với đó là việc đưa các giống lúa lai, lúa cao sản vào gieo cấy 2 vụ, năng suất đạt từ 49 – 53 tạ/ha. Các giống chè cho năng suất và giá thành cao như: Phúc Vân Tiên, Tri 777… cũng được các hộ từng bước thay thế giống chè trung du. Hiện, năng suất chè của làng đạt trung bình trên 61 tạ/ha. Ông Phạm Văn Nguyên, Trưởng làng Hin cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác trong xóm chỉ biết độc canh cây lúa; gieo trồng giống lúa bao thai dài ngày mà năng suất lại thấp, nếu vào vụ, lúa bị đổ non thì thu hoạch chẳng còn được là bao. Ngoài ra, các hộ trong xóm không có nghề phụ gì khác nên kinh tế kém phát triển. Từ năm 2005 trở lại đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chúng tôi đã thay thế giống lúa bao thai bằng các giống lúa lai ngắn ngày cho năng suất trung bình 50 tạ/ha. Ngoài trồng lúa, tôi còn chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi lợn. Hiện thu nhập của gia đình tôi đạt trên 50 triệu đồng/năm.

 

Bên cạnh thâm canh cây lúa, người dân trong xóm còn tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà; một số hộ còn chăn thả trâu, bò, dê… Nhiều hộ đã đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Chi bộ làng Hin cho biết: Hàng năm, làng Hin cung cấp hơn 80 tấn thịt lợn hơi cho thị trường. Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ trong làng có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, điển hình như hộ ông Dương Văn Hon, Bùi Văn Vui, Dương Văn Bàn… Hộ ông Dương Văn Hon là một trong những hộ đại diện cho nông dân huyện Phú Lương tham dự Đại hội Thi đua Nông dân làm kinh tế giỏi toàn quốc năm 2007. Ngoài đẩy mạnh thâm canh lúa và chăn nuôi, làng Hin còn chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng. Hiện, diện tích rừng của xóm là hơn 170 ha, trong đó khoảng 2/3 diện tích đã có thể khai thác tỉa. Theo ước tính, 1ha rừng của xóm có thể cho thu hoạch từ 40 đến 60 triệu đồng. Anh Dương Văn Thay, người làng Hin cho hay: Nhờ đẩy mạnh thâm canh cây lúa kết hợp với chăn nuôi, đến nay kinh tế gia đình tôi đã từng bước phát triển. Hiện gia đình tôi còn có 2 ha rừng “để dành”.

 

Thu nhập từ trồng rừng kết hợp với nguồn thu từ cây lúa, cây chè và chăn nuôi, đời sống của các hộ dân ở làng Hin ngày càng được cải thiện rõ rệt. Năm 2006, số hộ nghèo của xóm là 19, đến nay chỉ còn 9 hộ (chiếm hơn 7%). Thu nhập bình quân đạt trên 8 triệu đồng/người/năm. Đến nay, làng đã có trên 90% số hộ có nhà xây kiên cố; 100% số hộ có ti vi; 95% số hộ có xe máy. 100% các cháu đến tuổi đi học đều được đến trường. Tình hình an ninh chính trị ổn định, làng không có người mắc các tệ nạn xã hội…