Nâng cao mức sống cho người dân vùng núi

08:55, 23/12/2009

Phú Lương là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế như: Trình độ dân trí không đồng đều, thiếu vốn đầu tư để phát triển sản xuất…Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm tới 28,71%, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của chính quyền cùng bà con nhân dân trong toàn huyện, đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 19,71%. 

 

Mặc dù vậy, huyện cũng thẳng thắn đánh giá những hạn chế về công tác xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua, đó là: Kết quả giảm nghèo là chưa thật sự bền vững, một số hộ thoát nghèo chưa có thu nhập ổn định, nguy cơ tái nghèo cao. Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trình độ dân trí của bà con không đồng đều nên khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất còn hạn chế…

 

Trước thực trạng đó, để làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo từ cấp huyện đến cơ sở; phối hợp với các phòng, ban mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; tổ chức các Hội nghị phổ biến chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao nhận thức của người nghèo và toàn xã hội về công tác xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, huyện cũng có một số chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, huyện từng bước tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế với mục tiêu tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; tạo dựng thương hiệu, dần hướng tới sản xuất hàng hoá trong phát triển nông nghiệp. Một số địa phương đã có các làng nghề được UBND tỉnh công nhận như: Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu ở xã Cổ Lũng, các làng nghề trồng và chế biến chè ở các xã Vô Tranh, Tức Tranh. Bên cạnh đó, việc tăng cường thực hiện lồng ghép các đề án, các chương trình như: Đề án phát triển kinh tế trang trại, đề án Sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, đề án Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…đã góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn huyện theo hướng bền vững, dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Sản xuất chè ở các xã Tức Tranh, Vô Tranh…; sản xuất lúa, lâm nghiệp ở các xã Yên Ninh, Yên Đổ…; trồng lúa kết hợp chăn nuôi ở các xã Phấn Mễ, Cổ Lũng.

 

Mặt khác, công tác hỗ trợ về giáo dục và dạy nghề cho người nghèo cũng được ưu tiên. Trung tâm Dạy nghề đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện tổ chức các lớp đào tạo các nghề ngắn hạn như: hàn, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, trồng trọt…cho các hộ nghèo. Tăng cường vốn vay cho hộ nghèo đi lao động xuất khẩu; phát triển các ngành, nghề phụ nhằm giúp lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn sản xuất, quan tâm tạo việc làm, huyện Phú Lương còn có các dịch vụ xã hội trợ giúp cho người nghèo như: Cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ xóa nhà dột nát… Với những biện pháp trên, trong vòng 3 năm trở lại đây, huyện Phú Lương đã giảm được 9% hộ nghèo. Hiện, số hộ nghèo của huyện là 5.302 hộ, giảm 3,84% so với năm 2008. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền cùng bà con nhân dân các dân tộc Phú Lương trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban xóa đói giảm nghèo cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình xoá đói giảm nghèo của huyện giai đoạn 2006 – 2010, trong đó tập trung vào các giải pháp như: Đầu tư cơ sở vật chất để hỗ trợ công tác xoá đói, giảm nghèo. Đẩy mạnh việc tập huấn, đào tạo nghề cho người nghèo. Quan tâm tới các dịch vụ hỗ trợ cho người nghèo. Phát huy nội lực cộng với tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để đầu tư cho phát triển sản xuất, từng bước nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, để đảm bảo thoát nghèo bền vững.