Người dân Phổ Yên không mặn mà với cây măng Lục Trúc

09:47, 11/12/2009

Sau gần 4 năm xã Minh Đức và xã Đắc Sơn (Phổ Yên) thực hiện chương trình trồng măng tre Lục Trúc, đến nay diện tích 42ha ban đầu chỉ còn lại gần 10ha tre mọc lay lắt trong những khu vườn ít được ngó ngàng…

 

Chương trình trồng tre măng Lục trúc được Công ty Chi Lăng, Đài Loan phối hợp với Trạm khuyến nông huyện triển khai tại 2 xã Minh Đức và Đắc Sơn từ tháng 1/2006. Mục tiêu của chương trình là hình thành vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 100 ha tre măng Lục Trúc, sau đó Công ty sẽ xây dựng Nhà máy chế biến xuất khẩu măng tre và các nông sản khác như vải, nhãn, hồng... Để giúp đỡ bà con, Công ty Chi Lăng hỗ trợ 50% giá cây giống, huyện Phổ Yên hỗ trợ 25% và Công ty cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật phối hợp với Trạm khuyến nông huyện tổ chức  chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân cách trồng và chăm sóc. Đồng thời, sẽ bao tiêu sản phẩm măng tươi theo giá thoả thuận tại thời điểm thu hoạch.

 

Bước đầu có hơn 150 hộ dân trồng được 42,2ha. Nhưng sau gần 4 năm triển khai chương trình trồng măng tre Lục Trúc, đến nay cây măng tre không những không đem lại hiệu quả như dự kiến mà diện tích ngày càng bị thu hẹp. Từ trên 42ha ban đầu, hiện nay tổng diện tích chỉ còn gần 10ha.

 

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao người dân Minh Đức không mấy mặn mà với cây tre Lục Trúc, ông Tạ Hữu Long, xóm Trằm cho biết: Gia đình tôi cũng tham gia trồng 0,7ha, nhưng do Công ty Chi Lăng cung cấp giống cây không đạt tiêu chuẩn nên tỷ lệ sống chỉ đạt 30%, nên chúng tôi không còn tin tưởng vào chương trình nữa.

 

Về điểm này, anh Phạm Văn Hà, Cán bộ phụ trách trực tiếp chương trình tre măng Lục trúc cho biết: Thực ra, tỷ lệ tre măng chết nhiều một phần là do một số cây giống lấy từ khóm giống có độ tuổi cao, một phần là do sau khi trồng, cây gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài (từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch là thời điểm trồng tre), thêm nữa do chủ yếu măng được trồng trên đồi, người dân không có điều kiện tưới nước nên cây bị chết. Ngoài ra, một số hộ lại trồng không đúng kỹ thuật, số khác lại nhận giống về nhưng không bảo quản tốt, làm theo tập quán cũ, trồng manh mún, nhỏ lẻ, không đầu tư vốn, sức lao động nên không phát huy được hiệu quả”.

 

Để chương trình tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả, ngay sau khi diện tích tre bị chết, huyện đã chỉ đạo xã vận động bà con chăm sóc tốt diện tích tre măng còn lại (trên 25 ha) để làm ô mẫu và thực hiện nhân giống tại địa phương. Rút kinh nghiệm lần trồng trước, năm 2007, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, 1 số hộ trồng dặm đã thay đổi cách trồng bằng cách bó bầu cây cho đến khi ra rễ, đâm chồi, gặp thời tiết thuận lợi mới mang cây ra trồng. Cách này giúp 3.000 cây giao bổ sung năm 2007 được nông dân trồng dặm đạt tỷ lệ sống cao trên 90%. Về phía Công ty Chi Lăng cũng đã cam kết sẽ tiếp tục bám sát để chia sẻ những khó khăn ban đầu với nông dân. Nhưng, sau 3 năm, khi cây bắt đầu cho thu hoạch, do măng tre Lục Trúc có kích thước nhỏ hơn các loại măng khác, nên một số hộ cho rằng năng suất thấp. Ông Long cho biết thêm: Cây măng Bát Độ to cỡ 2kg/cái, còn măng Lục Trúc thì chỉ như cái “roi trâu”, trồng xong không biết có bán được không nên tôi chẳng chăm bón làm gì cho mất thời gian, tốn kém tiền bạc. Từ suy nghĩ này, các hộ trồng măng vốn đã không mấy mặn mà với cây tre Lục Trúc nay lại càng thờ ơ. Nhiều gia đình chặt bỏ hết diện tích, một số giữ lại thì cùng để mặc cho cây sống lay lắt.

 

Đồng chí Đỗ Trọng Thái, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết: Trên thực tế, tre măng Lục trúc có chất lượng, giá thành cao hơn hẳn măng tre Bát Độ, có khả năng xuất khẩu. Theo thông tin từ phía Công ty Chi Lăng thì hiện nay, vùng măng Lục Trúc Chi Lăng (Lạng Sơn) đang bán với giá 7.000 đồng/kg. Hơn nữa, Công ty Chi Lăng cũng đã bày tỏ mong muốn được xây dựng Nhà máy chế biến xuất khẩu măng tre và các nông sản khác nếu như cây măng tre Lục Trúc phát triển tốt ở địa phương. Nếu kế hoạch này được thực hiện sẽ là cơ hội để địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá.

 

Thiết nghĩ, để chương trình tiếp tục được thực hiện và đem lại hiệu quả, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân thấy được những ưu điểm của cây măng tre Lục Trúc. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng nên có sự tìm hiểu thực tế để đưa ra kết luận chính xác, đồng thời cần nghĩ tới cái lợi lâu dài thì mới có thể phát triển kinh tế một cách bền vững.