Người Sán Chí ở Gốc Cọ vươn lên làm giàu

08:44, 16/12/2009

Trong chuyến công tác ở huyện Phú Lương, chúng tôi đến với bà con dân tộc Sán Chí xóm Gốc Cọ, xã Tức Tranh. Những năm gần đây, đời sống của người dân đã khá hơn bởi tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Hiện toàn xóm còn 11 hộ nghèo, giảm trên 30 hộ so với năm 1998.

 

Với đặc thù đất vườn và đất đồi rừng nhiều, toàn xóm có tổng diện tích trên 46ha thì có đến 24,6ha là đất vườn, đồi và 12ha đất rừng. Trước đây, do chưa biết lựa chọn những cây trồng phù hợp, nên toàn bộ diện tích rừng ở xóm đều bỏ hoang, ngoài gần 10ha chè, diện tích đất vườn đồi còn lại bà còn chủ yếu trồng sắn, trồng ngô để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 1998 trở lại đây, bà con xóm Gốc Cọ đã xác định được chè là cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai lại cho hiệu quả kinh tế cao, nên đã liên tục mở rộng diện tích trồng chè. Từ gần 10ha, đến nay tổng diện tích chè toàn xã đã nâng lên 24,6ha. Những giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao vào trồng như: LDP1, Phúc Vân Tiên, TRI777… đã được đưa vào gieo trồng.

 

Là người tiên phong trong việc trồng các giống chè mới, anh Âu Văn Yên cho biết: Năm 2000, tôi ra ở riêng được bố mẹ cho 6 sào đất, trong đó có trên 1 sào chè, còn lại là đất vườn tạp. Ban đầu, tôi cũng chẳng biết làm gì để sống với diện tích đất này, sau nhiều ngày suy đi tính lại, tôi nghĩ, ở vùng chè mình phải tập trung phát triển cây chè. Từ suy nghĩ đó, tôi đã cải tạo lại vườn chè cũ và trồng thêm 3 sào chè giống LDP1. Trong quá trình trồng, chăm sóc cả 2 loại chè, tôi thấy giống chè cành có nhiều ưu điểm là: ---ít sâu bệnh, năng suất cao, giá thành lại gấp đôi giống chè trung du nên tôi dần mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình tôi đã có gần 6 sào chè giống mới. Từ diện tích này, mỗi năm tôi thu 6 lứa, mỗi lứa 120kg búp khô.

 

Không chỉ anh Yên biết làm giàu từ cây chè, mà hầu hết các hộ trong xóm đã chuyển đổi những diện tích đất vườn tạp không hiệu quả sang trồng chè. Đến nay, toàn xã đã có gần 25ha chè, trong đó chè cành chiếm 30%. Đặc biệt, bà con còn đầu tư sản xuất chè vụ đông, giá thành cao gấp 1,5-2 lần so với chè thường.

 

Ngoài chú trọng phát triển cây chè, bà con nhân dân trong xóm còn biết tận dụng diện tích bỏ hoang trước đây để trồng các giống keo lai. Gia đình ông Lạc Văn Bàng trước đây là hộ nghèo của xóm, nhờ trồng rừng, năm 2007, gia đình ông đã thoát nghèo, trở thành hộ khá của xóm. Nói về kinh nghiệm trong phát triển kinh tế rừng, ông Bàng cho biết: Gia đình tôi có 4ha đất rừng, trước đây do không biết lựa chọn cây trồng phù hợp nên gia đình vẫn bỏ hoang. Năm 1999, thấy một số hộ quanh vùng trồng keo, tôi cũng mua giống keo về trồng thử. Sau 7 năm, từ diện tích keo này tôi thu được trên 200 triệu đồng. Thấy trồng keo cho hiệu quả kinh tế không kém so với trồng chè, các hộ có đất rừng đều đầu tư trồng. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp 12ha của xóm đã được phủ kín bởi giống keo tai tượng.

 

Ông Âu Văn Bình, Bí thư chi bộ xóm cho biết: Gốc Cọ có 79 hộ với trên 400 nhân khẩu, 95% là đồng bào dân tộc Sán Chí. Nếu so sánh với thời điểm năm 2000 thì đời sống của đồng bào Gốc Cọ hiện nay đã khấm khá hơn rất nhiều. Năm 1998, toàn xóm có đến 50% số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, cả xóm không có hộ giàu, những gia đình có ti vi, xe máy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhờ phát triển kinh tế đúng hướng, nay xóm chỉ còn 11 hộ nghèo, 100% số hộ có xe máy, ti vi, số hộ khá, giàu chiếm 20%.

 

Đưa chúng tôi đi thăm rừng keo của gia đình đã gần 8 tuổi, ông Bình cho biết thêm: Rừng keo này có diện tích 5ha với tổng số khoảng 5.000 cây, trước đây cũng như bao hộ dân trong xóm, tôi cũng bỏ hoang chẳng biết trồng cây gì. Năm 2000, cùng với một số hộ dân trong xóm, tôi mua giống keo về trồng, tiền giống đầu tư hết khoảng 20 triệu đồng, dự kiến năm nay rừng keo sẽ cho thu hoạch. Nhìn những thân keo thẳng tắp, ông Bình cười mãn nguyện: Cách đây gần 1 tháng, đã có người đến tận nhà đặt vấn đề thu mua keo với giá từ 50-100 nghìn đồng/cây, nhưng tôi chưa bán, để đến sang năm đợi cây phát triển thêm tôi mới bán vừa để tăng giá trị, vừa không muốn để đất trống.