Chúng tôi đến thăm nhà chị Hà Thị Hường ở Tiểu khu Thọ Lâm, thị trấn Đu (Phú Lương) vào một buổi sáng, khi chị đang xuất gà bán cho khách. Phải đợi một lúc lâu sau chúng tôi mới có dịp trò chuyện, tìm hiểu về mô hình chăn nuôi gà siêu nạc đem lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị.
Từ năm 2005 trở về trước, gia đình chị chỉ có 5 sào ruộng đạt năng suất trung bình khoảng 1,6 tạ/sào. Trong khi đó nhà có 5 nhân khẩu, ngoài ra chẳng có thu nhập gì thêm nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Trước thực tế đó, anh chị đã luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để đổi mới cách làm ăn có hiệu quả. Một lần tình cờ được nhân viên của công ty JAFA tư vấn, giới thiệu mô hình chăn nuôi gà siêu nạc, anh chị đã quyết định đầu tư xây dựng một trang trại nuôi gà với tổng diện tích 720m2, quy mô trên 7.000 con theo đúng tiêu chuẩn của công ty JAFA đưa ra. Sau khi kiểm tra, thấy quy cách chuồng trại đạt yêu cầu, công ty đã ký hợp đồng với gia đình chị, đồng thời cử cán bộ đến hướng dẫn cách chăm sóc và phòng bệnh cho gà.
Năm 2005, chị bắt đầu nuôi lứa gà đầu tiên với quy mô 7.000 con. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên lứa gà của chị bị nhiễm bệnh chết hơn 2.000 con. Năm 2006, gia đình chị chỉ xuất bán được 2 lứa gà thu về gần 60 triệu đồng. Nhưng chuồng trại của chị lại bị “treo” hơn 6 tháng, do chưa đạt tiêu chuẩn về vệ sinh chuồng trại. Cuối năm 2007, chị chuyển sang ký hợp đồng với Công ty Cổ phần RDT Đức Nghĩa. Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, lần này, được cán bộ kỹ thuật của Công ty hướng dẫn, chị ghi chép tỉ mỉ từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của gà và liều lượng cho ăn; dấu hiệu các loại bệnh, cách phòng và điều trị…Do đó, lứa gà sau của gia đình không bị nhiễm bệnh và đạt 5 lưá/năm, số tiền thu về là hơn 150 triệu đồng. Từ đó đến nay, ngoài cấy lúa gia đình chị còn tập trung vào chăn nuôi. Hiện, thu nhập bình quân của gia đình chị đạt trên 80 triệu đồng/năm. Đầu năm 2009, gia đình chị đã mua sắm được 1 xe tải trị giá hơn 300 triệu đồng để chuyên chở thức ăn chăn nuôi.
Chị Hường cho biết: Sau khi Công ty cung cấp giống và cám chăn nuôi (tỷ lệ 33 tấn cám/7.000 con gà), nuôi trong khoảng 45 đến 55 ngày tuổi, Công ty sẽ tính định mức 18 tấn gà thịt/7.000 gà/lứa, với giá 1.400 đồng/kg tiền công chăm gà và được trừ 5% đến 8% chi phí thất thoát. Nếu nuôi gà vượt định mức trọng lượng sẽ được hưởng theo giá thị trường. Khi chúng tôi hỏi về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, chị nói: Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, gia đình tôi đã biết sử dụng chế phẩm EM để khử mùi. Đồng thời biết rõ nguồn gốc giống gà nuôi, giấy kiểm dịch…nên đã được Chi cục Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm H5N1.
Không phải mất chi phí về giống, thuốc và thức ăn chăn nuôi; khi cần có cán bộ thú y đến tận nhà chỉ bảo hướng dẫn cách phòng và chữa bệnh cho gà; lại không phải lo đầu ra cho sản phẩm mà đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một mô hình chăn nuôi cho các hộ dân chưa có khả năng về vốn có thể học tập.