Sinh ra và lớn lên ở một xã miền núi cách trung tâm huyện Đại Từ 17 km về phía Bắc, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn với 61,6% là người dân tộc thiểu số, song bằng ý chí và quyết tâm làm giàu, ông Hoàng Văn Ninh, xóm Khuân U, xã Na Mao đã mạnh dạn đi đầu phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trang trại.
Ông kể: “Gia đình tôi định cư tại mảnh đất nghèo này đã nhiều đời nay. Ruộng đất cha ông để lại cho gia đình tôi khoảng hơn 5 nghìn m2 đồi rừng và gần 1 ha đất lúa, màu. Bản thân tôi và gia đình cũng đã từng trồng, rồi chặt nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con, song do thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, đầu tư manh mún, thiếu định hướng lâu dài nên hiệu quả kinh tế không cao. Trước năm 2005, tôi và những người dân trong xã mới chỉ nghe nói về kinh tế trang trại qua đài báo, còn thực tế thì chưa có mô hình nào ở địa phương để chúng tôi tham quan học hỏi...”. Năm 2005, Đoàn thanh niên xã đã tổ chức cho 40 đoàn viên, thanh niên và các hộ gia đình trong xã đi tham quan học tập một số mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả trong huyện. Nhìn những ông chủ, bà chủ trang trại trẻ tuổi, xuất thân cũng từ nông dân mà ra nhưng trong tay đã có hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động, ông Hoàng Văn Ninh đã nung nấu quyết tâm làm giàu. Sau chuyến đi, ông mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn ngoại. Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu xây dựng trang trại, trong tay ông chỉ có 10 triệu đồng vay của Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT huyện, cùng với đó là những khó khăn do thiếu khoa học kỹ thuật. Song với khát vọng làm giàu chính đáng, cộng thêm sự giúp đỡ nhiệt tình của anh em, bạn bè, người thân, rồi ông được vay thêm 25 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, ông tiếp tục học hỏi và đầu tư trang trại: mua con giống, xây dựng cơ sở vật chất…
Đến nay, sau 4 năm vừa sản xuất, vừa đầu tư mở rộng, trang trại của gia đình ông Hoàng Văn Ninh đã có 40 con lợn nái ngoại và trung bình nuôi từ 200 đến 250 đầu lợn thịt/lứa, giá trị tài sản cố định của trang trại hiện đạt khoảng 1 tỷ đồng. Năm 2008, thu nhập từ trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại của gia đình ông đạt 150 triệu đồng. Và năm 2009 này, doanh thu từ trang trại của gia đình ông ước đạt 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Từ phát triển chăn nuôi, gia đình anh có nguồn phân hữu cơ để bón thêm cho cây trồng, đưa năng suất, sản lượng cây trồng tăng cao, đồng thời giảm đến 90% lượng phân đạm, 50% lượng phân kali.
Tâm sự với chúng tôi, ông Hoàng Văn Ninh cho biết: Điều làm tôi thấy phấn khởi và tự tin đó là tôi không chỉ đơn thuần làm cho kinh tế gia đình mình khấm khá hơn, mà từ quyết định đúng đắn của mình, tôi đã tác động tạo nên một phong trào sâu rộng trong đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây về việc phá thế độc canh cây lúa, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn xã có 6 trang trại chăn nuôi lợn ngoại, 1 trang trại chăn nuôi bò và 2 trang trại chăn nuôi lợn ngoại đang xây dựng. Tổng số đầu lợn xuất chuồng hàng năm của các trang trại này chiếm khoảng 50% số đầu lợn của toàn xã và Na Mao được đánh giá là một trong những địa phương phát triển chăn nuôi mạnh nhất huyện.