Xã Thần Sa (Võ Nhai) có diện tích tự nhiên trên 10.000 ha, với 573 hộ, 2.413 nhân khẩu, chia thành 9 xóm. Địa bàn xã giáp ranh với huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) và 3 xã của huyện Đồng Hỷ. Đây cũng là xã tập trung đông các đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Dao, Mông, Nùng…
Ông Trần Văn Tập, Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết: Năm 2004 trở về trước, thuỷ lợi chưa đảm bảo, người dân chỉ có thể cấy lúa một vụ, nhiều nhà thiếu đất sản xuất, số hộ đói, nghèo chiếm trên 70%. Nhưng mấy năm trở lại đây, hiệu quả từ việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh đã làm cho đời sống của bà con dần thay đổi. Cụ thể như từ năm 2004, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân để họ thấy được lợi ích của việc sử dụng các giống mới, nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Để hỗ trợ cho bà con mua các giống lúa, ngô mới và đầu tư cho sản xuất, các tổ chức đoàn thể đã đứng ra tín chấp cho nông dân vay vốn, phân bón trả chậm, ưu tiên cho các hộ nghèo và cận nghèo vay. Hàng năm số vốn giải ngân cho các hộ vay từ 400-500 triệu đồng (trung bình mỗi hộ được vay 7 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng). Bên cạnh đó, các tổ chức Hội đã đứng ra tín chấp cho hội viên nguồn phân bón trả chậm mỗi năm gần 100 tấn phân bón. Các đoàn thể phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc các giống lúa, ngô mới. Đặc biệt thông qua việc thực hiện các ô mẫu tại các xóm, bản, bà con được hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc nên đã tiếp thu khoa học kỹ thuật một cách thuận lợi nhất. Mỗi năm xã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho gần 1 nghìn lượt người tham gia.
Đầu năm 2005, khi giống lúa cao sản 49, siêu Khang Dân, giống ngô CP 888, CP 999… được bán ở xã chỉ có 4/9 xóm bản có số hộ đăng ký mua để gieo trồng như xóm Kim Sơn, Trung Sơn, Ngọc Sơn, Hạ Sơn. Sau một năm gieo trồng thấy lúa, ngô lai mang lại hiệu quả, nhân dân đã tự giác mua giống mới, đầu tư phân bón, cấy trên diện rộng. Hiện nay, diện tích gieo cấy lúa lai toàn xã là 137 ha, trong đó có 25 ha cấy 2 vụ (năm 2005, diện tích gieo cấy lúa lai ở Thần Sa chỉ ở mức 60 ha, đa phần cấy một vụ). Bà con còn tận dụng diện tích cấy lúa 1 vụ để trồng thêm 1 vụ ngô, cho thu nhập khá. Diện tích trồng ngô lai CP 888, CP 999 toàn xã Thần Sa đến nay là gần 90 ha, tăng gấp hơn 2 lần diện tích so với năm 2005. Năng suất, sản lượng lúa, ngô lai ở Thần Sa cũng tăng lên rõ rệt. Hiện, năng suất lúa đạt 48 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với năm 2005; năng suất ngô đạt 45 tạ/ha, tăng 9 tạ/ha so với năm 2005. Nhờ vậy, thu nhập của người dân đã được nâng lên, từ trên 2 triệu đồng/người/năm (năm 2005) lên gần 4 triệu đồng/người/năm (năm 2009). Số hộ nghèo cũng giảm đi rõ rệt (năm 2006 số hộ nghèo là trên 330 hộ, đến nay số hộ nghèo giảm xuống còn trên 200 hộ).
Tuy Thần Sa vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng những gì mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã thực hiện trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, nhất là trong việc chỉ đạo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng; mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xoá đói giảm nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của bà con dần được nâng cao.