Thầy giáo về hưu làm kinh tế giỏi

09:59, 06/12/2009

Đó là ông Chu Đức Thịnh, xóm Cao Lầm xã Phú Thượng (Võ Nhai) - một thầy giáo về hưu người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi.

 

Trong câu chuyện với chúng tôi ông cho biết: Năm 1950, ông được cử đi đào tạo tại Trường Thiếu sinh quân, với nhiệm vụ liên lạc, tuyên truyền kháng chiến. Vài năm sau, ông đi học Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương. Học xong, ông về công tác trong ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang. Năm 1960, ông chuyển về Võ Nhai làm giáo viên đến năm 1986 thì nghỉ hưu.

 

Được bà con tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ xóm Cao Lầm, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Phú Thượng, lương hưu thấp, các con nhỏ, nhưng ông vẫn bố trí thời gian hợp lý để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa phát triển kinh tế gia đình. Ông đã vay bạn bè, đồng đội đầu tư vào chăn nuôi đàn lợn nái và gà thịt. Nhưng do không có kinh nghiệm nên gia súc, gia cầm chết hàng loạt, ông quyết định chuyển từ mô hình chăn nuôi sang phát triển vườn cây và ao cá. Năm 1997, ông bắt tay cải tạo hơn 3.000m2 đất vườn, lặn lội sang vùng Tràng Xá để học hỏi kinh nghiệm trồng hồng không hạt. Khi mua giống về, ông mày mò tự ghép cành, trồng gần 100 cây hồng không hạt. Đồng thời, cho nạo vét ao, mở rộng diện tích 1.000m2 để thả các loại cá như cá trôi, cá trắm, cá chép, cá vược, cá rô phi…

 

Sau 3 năm, vườn hồng bắt đầu cho gia đình ông thu hoạch. Nhưng trừ chi phí, gia đình ông chỉ thu lãi gần ... 500 nghìn đồng. Ao cá của gia đình do không có nhiều thời gian chăm sóc nên bị chết nhiều. Năm đó gia đình ông lỗ trên 15 triệu đồng. Không nản lòng, ông rút kinh nghiệm trong đầu tư và chăm sóc vườn cây ăn quả và ao cá. Khi ấy, thấy giống vải thiều được người dân trồng nhiều, cho nguồn thu lớn, ông đã mua 100 gốc vải về trồng. Nhờ tham gia tích cực các buổi tập huấn của tổ chức hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh nên ông đã áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc phù hợp nên vườn cây ăn quả và ao cá cho gia đình ông thu nhập ổn định, lãi vài chục triệu đồng/năm. Sau nhiều năm tích luỹ, ông đã mua sắm được đầy đủ các tiện nghi trong gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi các con ông trưởng thành đi công tác, mong muốn bố mẹ nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già, nhưng ông Thịnh không chịu ngồi yên một chỗ để các con nuôi. Ông vẫn mày mò tìm hiểu và thực hiện mô hình phát triển kinh tế tổng hợp.

 

Năm 2003, ông mua giống ngựa bạch mắt thau trên huyện Na Rì (Bắc Kạn) về nuôi. Sau 3 tháng, sinh được một con ngựa non, nhưng do điều kiện gia đình chỉ có hai vợ chồng già, không có người chăm sóc nên ông quyết định bán cặp ngựa với giá 40 triệu đồng. Số tiền bán cặp ngựa, ông đầu tư nuôi ong. Ông nuôi 20 đàn ong lấy mật trong vườn nhà. Hàng năm, đàn ong cho thu 40-50 lít mật (giá bán thời điểm đó là 150 nghìn đồng/lít), thu lãi khoảng gần chục triệu đồng/năm. Mặt khác, ông liên hệ với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đăng kí mua nhím về nuôi. Ngoài thời gian chăm sóc vườn cây ăn quả, ao cá, đàn ong, ông chăm chút cho cặp nhím. Sau 2 năm nuôi nhím, ông đã bán được 3 cặp nhím, thu lãi gần 50 triệu đồng. Hiện thu nhập của gia đình ông là trên 100 triệu đồng/năm.