Trăn trở Vân Nhiêu

09:36, 07/12/2009

Xóm Vân Nhiêu, xã Bộc Nhiêu là khu vực có diện tích vải thiều lớn nhất của Định Hóa. Cây vải thiều đã từng đóng góp đến gần 50% giá trị thu nhập cho người dân nơi này. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, diện tích của cây vải thiều ở Vân Nhiêu đang giảm nhanh. Giờ đây, người dân lại loay hoay để lựa chọn cây trồng phù hợp.

 

Theo Trưởng xóm Phạm Ngọc Thanh: Vân Nhiêu có 34 hộ gia đình nhưng chỉ có trên 4ha diện tích đất trồng lúa. Do vậy, trong nhiều năm qua, người dân trong xóm chủ yếu sống dựa vào kinh tế vườn đồi, trong đó cây vải thiều đã có những đóng góp đáng kể. Cây vải đã có mặt ở Vân Nhiêu từ những năm 1971. Những năm 1995- 1996, khi quả vải được giá, diện tích vải thiều của xóm tăng nhanh khoảng trên 20 ha (tương đương với diện tích chè), phần lớn cây vải được trồng xen vào diện tích chè già cỗi, 100% giống vải thiều được nhập từ Thanh Hà (Hải Dương). Nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và được chăm sóc tốt nên quả vải thiều Vân Nhiêu có tiếng về chất lượng và rất dễ tiêu thụ. Giai đoạn từ 2003-2005, khi cây vải thiều bắt đầu cho thu hoạch đại trà, hiệu quả của cây vải đã từng vượt qua cả cây chè, trở thành cây trồng cho thu nhập chính của bà con trong xóm. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, do giá vải thiều liên tục giảm nên người dân Vân Nhiêu không còn mặn mà với cây vải nữa. Nhiều gia đình đang chặt dần vải thiều để trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

 

Gia đình ông Thanh là một trong những gia đình có diện tích vải thiều lớn ở xóm (khoảng 300 gốc). Ông cho biết: Năm 2004, thời điểm quả vải được giá nhất, từ 300 gốc vải của gia đình, ông thu về gần 20 triệu đồng tiền lãi. Từ đó đến nay giá vải giảm mạnh, có thời điểm giá vải chỉ còn từ 1.200 đến 1.500 đồng/kg,  nên bà con ít quan tâm đến việc chăm sóc cây vải, sản lượng và chất lượng vải thiều Vân Nhiêu cũng vì thế giảm sút. Nếu như năm 2008, nguồn thu từ trên 1ha vải thiều của gia đình ông Thanh còn đạt 6 triệu đồng thì năm nay đã giảm xuống 2 triệu đồng (chỉ tương đương với số tiền ông thu được từ 2 cây bưởi Thái trong vườn nhà). Năm 2007, khi có thông tin cây gỗ sưa rất được giá, ông Thanh đã trồng xen trên 2.000 cây gỗ sưa vào vườn vải thiều của gia đình. Ông cũng cho biết thêm: “tuy 2 cây bưởi Thái trong vườn có giá trị kinh tế lớn, nhưng tôi không dám nhân giống để trồng thêm và bán, vì sợ khi địa phương đã trồng nhiều loại cây này sẽ lại xảy ra tình trạng giống như cây vải thiều”.

 

Gia đình ông Nguyễn Công Túy có trên 2 ha vải thiều (hơn 700 gốc) nhưng do giá quả vải xuống thấp nên đến nay ông đã chặt phá chỉ còn chưa đến 1ha. Phần diện tích vải thiều phá bỏ ông chuyển qua trồng chè. Tuy vậy, do chất lượng và giá bán của cây chè ở Vân Nhiêu cũng chưa cao (từ 25 đến 28 nghìn/kg lúc chính vụ), gia đình lại thiếu nhân công thu hoạch nên việc mở rộng diện tích chè cũng làm ông lo lắng. Ngoài ra, theo như ông Túy, việc áp dụng trồng các giống chè mới ở Vân Nhiêu còn gặp khó khăn do thiếu nguồn nước tưới và kỹ thuật chăm sóc. Thực tế giá bán của chè cành ở xóm không cao hơn chè trung du là bao (chỉ từ 8 đến 10 nghìn đồng/ kg), trong khi chè giống mới lại đòi hỏi công chăm sóc và chế biến cầu kỳ hơn khá nhiều. Năm 2006, ông Túy đã thử nghiệm trồng mây xung quanh vườn vải nhưng không hiệu quả, do sản phẩm mây không tìm được đầu ra và giá trị kinh tế thấp. Với bà Nguyễn Thị Cúc (gia đình có diện tích vải thiều nhiều nhất ở Vân Nhiêu) ở vụ vải năm 2009, do không phun thuốc trừ sâu kịp thời vụ nên vải thiều không đậu quả. Từ trên 700 cây vải thiều (hơn 2 ha), gia đình bà chỉ bán vẻn vẹn được 180 nghìn đồng. Bà đã chặt một phần diện tích vải thiều của của gia đình mình nhưng vẫn băn khoăn chưa biết trồng cây gì thay thể để đảm bảo hiệu quả kinh tế.

 

 Đến nay, đã có trên 2 ha vải thiều bị phá bỏ, diện tích này chủ yếu chuyển sang sang trồng chè và cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng làm cho nhiều bà con băn khoăn do các cây trồng thay thế vẫn chưa đem lại hiệu quả kinh tế. Đáng nói hơn, người dân không còn quan tâm chăm sóc cho cây vải thiều nữa, nên chất lượng quả vải giảm sút, cũng vì thế mà việc tiêu thụ vải thiều trở nên khó khăn hơn. Năm 2007, người dân Vân Nhiêu lại đua nhau trồng loại cây này. Xóm đã có khoảng 7.000 gốc gỗ sưa được trồng xen vào diên tích chè và vải. Khi cơn sốt gỗ sưa đã đi qua, người dân lại lo lắng về giá trị đích thực của loại gỗ này.

 

Theo ông Dương Đình Chất, Chủ tịch UBND xã Bộc Nhiêu: Cây vải thiều là một thế mạnh của Vân Nhiêu từ nhiều năm nay, việc người dân tự ý chặt bỏ cây vải thiều để thay thế bằng cây trồng khác xuất phát từ hiệu quả kinh tế thấp. Xã cũng đang lúng túng về vấn đề này vì phải mất từ 3 đến 5 năm cây vải thiều mới cho thu hoạch, trong khi các cây trồng thay thế chưa chắc đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người dân. Trước thực tế trên, thiết nghĩ cây vải thiều Vân Nhiêu cần có sự quy hoạch cụ thể, xây dựng thương hiệu chất lượng cho quả vải thiều. Quan trọng hơn, các ngành chức năng của huyện và tỉnh cần có sự định hướng và tư vấn các giống cây trồng phù hợp cho Vân Nhiêu, tránh tình trạng người dân trồng hàng loạt rồi lại phá bỏ khi không có hiệu quả kinh tế như cây vải thiều.