Việt Nam kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7%

15:39, 24/12/2009

Đúng như quy luật “mùa tiêu dùng nóng” của thị trường cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 12 đã tăng 1,38 % so với tháng 11/2009 và tăng 6,52% so với tháng 12/2008.

 

Như vậy, với tốc độ tăng này, CPI cả năm 2009 chỉ tăng 6,88% so với cùng kỳ 2008 và Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 7%.

 

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12 tiếp tục tăng ở 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,07-2,06%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,11%.

 

Bật lên dẫn đầu về mức tăng mạnh nhất là nhóm giao thông vận tải với mức tăng 2,47%. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức 2,06% do lương thực tăng kỷ lục tới 6,88%, thực phẩm tăng 0,89%.

 

Xếp thứ 3 là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,4%. Tiếp đến là các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,97%. Tăng thấp nhất là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, CPI tháng 12 tăng cao là do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 11/2009 đã khiến giá cước vận tải người và hàng hóa của nhiều hãng vận chuyển đã tăng thêm khoảng 500 đồng/km trong tháng 12. Trong khi đó, tháng 12 là tháng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh.

 

Bên cạnh đó, giá lương thực trong nước tháng 12 tiếp tục tăng kỷ lục bởi Việt Nam thắng thầu nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo; các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc thu mua thóc lúa trong dân tại phía Nam để chuẩn bị cho niên vụ xuất khẩu năm 2010.

 

Ngoài ra, giá lương thực tại nhiều tỉnh thành có xu hướng tăng ảo do việc mất cân đối giữa cung và cầu tại nhiều tỉnh, thành.

 

Cùng với lương thực, thực phẩm, việc các mặt hàng vật liệu xây dựng như sắt thép, ximăng tiếp tục tăng giá trong tháng 12 cũng là lực đẩy khiến CPI tháng 12 tăng mạnh.

 

Đặc biệt, với nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ nhập khẩu như bia, rượu, thuốc lá tăng mạnh trong tháng cuối năm nhưng do tỷ giá giữa đồng nội tệ và USD tăng cao; cộng với việc khan hàng nhập khẩu xa xỉ đã khiến cho nhóm hàng này tăng cao nhất trong 12 tháng qua.

 

Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng như xa xỉ phục vụ tiêu dùng Tết Canh Dần 2010 sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sẽ lợi dụng việc thay đổi tỷ giá và chủ trương hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ để tăng giá các mặt hàng này.

 

Vì vậy, bên cạnh chủ trương dự trữ hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…cũng như của nhiều hệ thống siêu thị, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng như các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để tránh việc găm hàng, tạo các cơn sốt giá ảo trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch.

 

Tháng 12, giá vàng đã tăng chậm lại rõ rệt với mức tăng 10,49% so với tháng 11. Với đà tăng này, chỉ số giá vàng năm 2009 này đã tăng kỷ lục với mức 64,32% so với tháng 12/2008.

 

Do tỷ giá USD và đồng nội tệ thay đổi cũng như do nhu cầu USD để thanh toán của doanh nghiệp nhập khẩu tăng cao trong tháng cuối năm, giá USD đã tiếp tục tăng mạnh với mức 3,19% so với tháng 11, đưa giá USD 12 tháng qua tăng 10,7% so với tháng 12/2008 và 9,17% so với cùng kỳ 2008.