Thời điểm năm 2005, diện tích trồng cây dâu ở xã Tân Phú (Phổ Yên) đã lên tới 65ha với trên 400 hộ nông dân tham gia nghề trồng dâu nuôi tằm và nghề truyền thống này lúc đó đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Nhưng sau hơn 3 năm, diện tích dâu ở Tân Phú đã giảm xuống còn 20 ha và làng nghề nuôi tằm có nguy cơ mai một nếu như không có biện pháp đầu tư, hỗ trợ kịp thời…
Tin vui với những người làm nghề trồng dâu, nuôi tằm ở xã Tân Phú là mới đây, UBND tỉnh đã quyết định công nhận đây là làng nghề truyền thống và chính quyền, nhân dân địa phương đang chuẩn bị lễ đón nhận quyết định này vào ngày 19/12. Vui vì nghề của làng được tôn vinh nhưng những người làm nghề trồng dâu, nuôi tằm ở đây lại buồn vì làng nghề đang dần bị thu hẹp, giá bán sản phẩm làm ra lúc cao, lúc thấp do không chủ động được việc ươm kén, kéo tơ.
Theo tính toán của các hộ trồng dâu ở Tân Phú, một sào dâu cho lá trong 8 tháng và nuôi được từ 4 tới 5 nong tằm/tháng nên một năm một sào đất trồng dâu sẽ thu được trên 3 triệu đồng từ tiền bán kén. Tằm không bị bệnh, cây dâu sinh trưởng tốt 1ha trồng dâu sẽ cho thu nhập từ 85 tới 100 triệu đồng/năm, ngoài ra người trồng dâu còn thu được lượng lớn chất đốt từ thân cây dâu. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đòi hỏi kỹ thuật cao, chăm sóc tỷ mỉ hơn so với các loại trồng khác nhưng cường độ công việc không cao, lại nhẹ nhàng nên người già, phụ nữ đều có thể tham gia các công đoạn sản xuất. Chi phí đầu tư cho 1 sào dâu chỉ hết khoảng 500 nghìn tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nong và một số vật tư khác. Đặc biệt là vùng đất cát ven sông Cầu không thích hợp với cây lúa, cây màu nhưng cây dâu lại phát triển rất tốt. Chính vì vậy mà xã Tân Phú xác định đây là cây trồng mũi nhọn tại địa phương, năm 2006 đã tạo kiện để các ngành chức năng cấp 1.000m2 đất ở khu vực Đồng Vân cho 9 người dân trong xã thành lập HTX dâu tằm với hy vọng sẽ tiêu thụ hết lượng kén bà con nông dân trong xã sản xuất ra. Tuy nhiên, từ năm 2006, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Tân Phú teo tóp dần do một số nguyên nhân như: Tằm bị bệnh gây thiệt hại tiền triệu cho nhiều gia đình; giá kén quá thấp nên người trồng dâu không có lãi; HTX dâu tằm dừng hoạt động vì thiếu vốn, thiếu nguyên liệu…
Những khó khăn nêu trên khiến gần 100 hộ chuyên trồng dâu, nuôi tằm ở Tân Phú đã chuyển đổi sang cây trồng khác, những hộ cố gắng duy trì nghề cũng thu hẹp diện tích trồng dâu. Nhiều diện tích đất bãi trước đó chuyên trồng dâu từ thôn Vân Trai kéo dài tới thôn Phú Cốc chỉ trong thời gian ngắn đã được người dân chuyển đổi sang trồng ngô. Ông Trần Văn Cầu, ở thôn Phú Cốc cho biết: "Một phần diện tích dâu già cỗi cho năng suất thấp đã bị bà con phá bỏ, phần vì ươm được cân kén mất nhiều sức lực mà lúc bán lại không được giá nên một số hộ không thiết tha với nghề. Chuyển sang trồng loại cây khác, chúng tôi đều buồn vì đây là nghề của tổ tiên truyền lại, nhưng cố giữ thì không có thu nhập…".
Từ tập quán canh tác đến đặc điểm thổ nhưỡng và các điều kiện khách quan, chủ quan cho thấy khi nghề trồng dâu, nuôi tằm có khả năng tạo được việc làm ổn định, sự sung túc cho quá nửa số hộ dân ở Tân Phú. Nhưng từ trước đến nay, người nông dân trồng dâu, nuôi tằm ở đây chưa thể kép kín được quy trình sản xuất, sản phẩm từ lá dâu mới ra tới con kén, còn công đoạn ươm kén để kéo tơ bán cho các nhà máy chuyên về may mặc lại chưa làm được. Ngay khi con tằm bị bệnh bà con cũng lúng túng không biết chữa trị ra sao và chưa đề nghị ngành Bảo vệ thực vật của tỉnh vào cuộc giúp đỡ. Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo xã Tân Phú cho biết nghề trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương có thể mở rộng diện tích lên 95ha và giá trị kinh tế đem lại hàng tỷ đồng mỗi năm nếu như được đầu tư tương xứng. Sau lễ đón Bằng công nhận làng nghề truyền thống, xã sẽ xây dựng Đề án khôi phục lại nghề trồng dâu, nuôi tằm…
Để nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), việc xác định tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng đất cần được chính quyền các địa phương tiến hành một cách nghiêm túc và cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tham mưu với tỉnh ra quyết sách phù hợp. Làm được như vậy, nông nghiệp trên địa bàn mới phát triển bền vững, người nông dân mới tăng được thu nhập để giảm nghèo, tiến tới làm giàu, và nông thôn mới có cơ hội đổi mới. Ví dụ như ở Tân Phú, nghề trồng dâu, nuôi tằm được phục hồi và phát triển, chắc chắn nó sẽ làm đổi thay vùng đất này...