Mọi năm, càng gần đến Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thường tăng do cung không đáp ứng cầu, thì năm nay cung-cầu hàng hóa không còn là vấn đề để các mặt hàng tăng giá. Kinh tế Việt Nam vừa thoát khỏi suy giảm, nên nhu cầu hàng hóa không lớn, nguồn cung dồi dào và phần lớn là hàng nội đã được các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị chu đáo, nên khó có khả năng tăng giá đột biến do khan hiếm hàng.
Có tăng giá, nhưng không đột biến
Theo Bộ Công thương, cùng với xu hướng chung trên thị trường thế giới, giá hàng hóa tiếp tục tăng, đứng ở mức cao đã tác động tới giá nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu phục cho sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%/năm đã tác động đến chi phí của DN; tỷ giá giữa USD và VND tăng; tác động của giá xăng dầu... khiến giá một số mặt hàng tăng theo. Ngoài ra, giá thực phẩm, hàng tiêu dùng cũng "nhạy cảm" với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây sức ép đến mặt bằng giá cả chung. Đây là những nguyên nhân chính góp phần kích hoạt nhiều loại hàng hóa trên thị trường tăng giá, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Diễn biến thị trường gần đây cho thấy, các hệ thống siêu thị đã nhận được thông báo từ nhà sản xuất, nhà cung ứng sản phẩm đề xuất tăng giá các mặt hàng đồ nhựa gia dụng, nước giải khát, thực phẩm chế biến đông lạnh... với mức tăng 5-10%; hàng nhập khẩu như bánh kẹo, nước giải khát, đồ hộp, văn phòng phẩm... cũng tăng khoảng 10% so với tháng trước. Nguyên nhân tăng giá được các nhà cung cấp lý giải do biến động của tỷ giá đồng USD, nguyên liệu "đầu vào" tăng... nên việc tăng giá là điều khó tránh khỏi.
Theo Bộ Công thương, trong số các mặt hàng tăng giá, không phải mặt hàng nào cũng liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu và tỷ giá. Chỉ những mặt hàng nhập khẩu, hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu như sắt thép, ô tô, linh kiện máy tính, xăng dầu... giá mới "đội" lên. Tuy nhiên, cũng có nhiều mặt hàng sản xuất trong nước, không chịu tác động từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng giá thành lại tăng. Điển hình là mặt hàng gạo, dù nguồn cung dư thừa và kiểm soát thị trường gắt gao, nhưng giá vẫn bị đẩy lên cao theo giá xuất khẩu để tăng 10%, thậm chí có loại lên 20%. Tương tự, mặt hàng đường cũng đang dư cung và đang vào chính vụ, nhưng giá bán buôn đã tăng 12% so với tháng trước, ở mức 16.000 đồng/kg và đến người tiêu dùng đã gần 20.000 đồng/kg. Đường còn là nguyên liệu "đầu vào" quan trọng, chiếm 10-30% giá thành của các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, nước giải khát... khiến giá bán sản phẩm này cũng bị đẩy lên cao. Các mặt hàng này đều sử dụng nguyên liệu trong nước, sản xuất ở trong nước, nguồn cung dư thừa, yếu tố chi phí "đầu vào" không nhiều, nhưng giá lại tăng cao là bất hợp lý.
Cần siết chặt quản lý
Theo dự báo, sức tiêu dùng hàng hóa trong dịp Tết tại các địa phương chỉ tăng 14-15%, Hà Nội tăng 17-18% và TP Hồ Chí Minh tăng 19-20% so với năm trước. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết, một số địa phương đã tạm ứng khoản tiền nhàn rỗi cho DN vay với lãi suất 0% để thu mua, dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để "sốt" giá các mặt hàng chiến lược. Các nhà phân phối lớn còn cam kết bán hàng rẻ hơn khoảng 5% hoặc ít nhất là bằng giá ngoài thị trường. Việc hỗ trợ vốn của Nhà nước là điều kiện cho nhiều DN, ngành hàng tham gia. Tuy nhiên, đã thành thông lệ, khi nhu cầu lớn cũng là thời điểm và cơ hội để DN phân phối, nhà sản xuất đưa ra nhiều lý do để tăng giá.
Để bình ổn thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, yêu cầu Bộ Công thương chủ động phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương trong việc thực hiện các biện pháp để tạo nguồn hàng, dự trữ hàng hóa; theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, có biện pháp can thiệp, hoặc trình cấp có thẩm quyền can thiệp kịp thời, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, sốt giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán; chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận trong thương mại; thực hiện có hiệu quả chương trình kích cầu tiêu dùng, vận động nhân dân thực hiện chủ trương "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Cùng với đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương theo dõi sát tình hình giá cả, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định về niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết; ngăn chặn, xử lý với các hành vi tăng giá, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết để kiếm lời bất chính.