Nhiều biến động khó lường đã tạo nên một năm sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi điểm lại 10 điểm nổi bật nhất trên thị trường trong năm qua.
1. Lên nhanh, xuống mạnh
Một năm thị trường chứng khoán Việt Nam có những biến động mà nhiều nhà phân tích phải dùng từ “thái quá” để lý giải, hoặc có những biến động làm thay đổi cả những quan điểm đầu tư.
Mức thấp nhất trong năm của VN-Index ghi nhận ở 235,5 điểm ngày 24/2, cao nhất 633,21 điểm trong phiên 23/10 và kết thúc năm ở mức 494,77 điểm. So với điểm khởi đầu của năm, VN-Index đã tăng 56,76%.
Sau suy giảm từ ảnh hưởng của khủng hoảng, thị trường bắt đầu phục hồi mạnh từ tháng 3 và đạt mức cao nhất vào ngày 23/10. Quá trình này khá cùng nhịp với diễn biến của thị trường thế giới, từ chuyển biến của kinh tế trong nước và đặc biệt là có sự bùng nổ của nguồn tiền đầu tư.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 10, thị trường suy giảm mạnh và kéo dài đến nửa đầu tháng 12; VN-Index xuống mức thấp nhất 427,06 điểm trong phiên 17/12. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là phản ứng “thái quá” trước loạt tin xấu về giải chấp, thắt tín dụng, cắt hỗ trợ lãi suất… Và một điểm đáng chú ý là diễn biến này đã làm mờ nhạt yếu tố tác động của thị trường thế giới - vốn có sức nặng ảnh hưởng theo quan điểm của nhiều nhà đầu tư.
2. Kỷ lục của nguồn tiền và áp lực đòn bẩy tài chính
Năm 2009 đón nhận sự bùng nổ của nguồn tiền với quy mô giao dịch lớn chưa từng có trong lịch sử 9 năm hoạt động. Phiên ngày 23/10/2009 là đỉnh điểm: Toàn phiên trên HOSE và HNX có tới trên 200 triệu đơn vị được chuyển nhượng với giá trị gần 9.500 tỷ đồng!
Tháng 10 cũng là đỉnh điểm của nguồn tiền vào sàn, khi quy mô trên dưới 6.000 tỷ đồng mỗi phiên liên tiếp được duy trì. Một phần của sự bùng nổ này là sự hỗ trợ của các công cụ tạo đòn bẩy tài chính. Chỉ một tháng sau đó, chính hệ lụy từ đòn bẩy tài chính là áp lực nổi bật nhất trong đà đổ dốc của thị trường cho đến trung tuần tháng 12.
Liên quan đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính, trong năm 2009, Ủy ban Chứng khoán có yêu cầu các công ty chứng khoán ngừng nghiệp vụ repo, xây dựng hành lang pháp lý cho giao dịch ký quỹ với những điều kiện cụ thể hơn.
Ngoài kỷ lục của nguồn tiền, năm 2009 cũng ghi nhận khối lượng giao dịch cao chưa từng có tại một số mã. Chỉ riêng kỷ lục 23 triệu đơn vị khớp lệnh của STB ngày 10/6 cũng đã gấp 2 – 3 lần khối lượng của toàn sàn các phiên trong tháng 2 trước đó.
3. UPCoM ra mắt và HNX chuyển mình
Sau khoảng 3 năm chuẩn bị và nhiều lần lỡ hẹn, 10h sáng 24/6, thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức mở phiên giao dịch đầu tiên với cổ phiếu của 10 doanh nghiệp tham gia đợt đầu.
Đến thời điểm 31/12/2009, sàn UPCoM đã có 34 cổ phiếu đăng ký giao dịch, với tổng giá trị tính theo mệnh giá đạt hơn 2.838 tỷ đồng, đạt tổng giá trị thị trường hơn 3.910 tỷ đồng. Tuy nhiên, sàn giao dịch này vẫn còn những quy định chưa linh hoạt và chưa thực sự hấp dẫn để tạo sôi động và thanh khoản cao. Để khắc phục, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đang dự tính có những thay đổi trong năm 2010.
Sự ra đời của UPCoM cũng là sự kiện quan trọng trong năm chuyển mình của HNX. Cũng trong ngày 24/6, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) chính thức chuyển thành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX); thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu có 2 sở tại hai đầu Nam – Bắc.
Cùng với sự kiện chuyển đổi trên, HNX chính thức khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ chuyên biệt sau khoảng 5 năm nghiên cứu và chuẩn bị. Đây là 1 trong 3 hệ thống trọng tâm của HNX, bên cạnh thị trường cổ phiếu niêm yết và UPCoM.
4. Cạnh tranh môi giới và câu chuyện "ưu ái" T+
Tính đến cuối tháng 10/2009, thị trường có tới 766.725 tài khoản của nhà đầu tư. Con số này cùng với quy mô giao dịch bùng nổ từ tháng 5 tạo một cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa các công ty chứng khoán về thị phần môi giới.
Thị trường xuất hiện tin đồn về những “cuộc chiến” giữa các công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần. Tin đồn và thực hư, còn thực tế tại nhiều thành viên môi giới là việc áp dụng các chính sách ưu đãi, mất công bằng giữa các nhà đầu tư. Điển hình là việc cho phép một nhóm đối tượng được bán chứng khoán trước hạn thanh toán T+4.
Sự mất công bằng đó tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên thị trường, và ngày 24/11 Ủy ban Chứng khoán phải có công văn yêu cầu các công ty chứng khoán chấm dứt chế độ “ưu ái” T+.
Câu chuyện trên một lần nữa đẩy cao yêu cầu của nhiều nhà đầu tư hiện nay là cần rút ngắn kỳ thanh toán hoặc cho phép được mua, bán cùng loại chứng khoán trong phiên. Ủy ban Chứng khoán cũng đang xem xét yêu cầu này.
5. Trợ lực của chính sách kích cầu
Năm 2009, thị trường chứng khoán đón nhận một trợ lực quan trọng từ chính sách kích cầu của Chính phủ, dù không phải là lĩnh vực trực tiếp được hỗ trợ.
Trong giải trình biến động kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết 3 quý đầu năm, các chính sách giảm thuế, hỗ trợ lãi suất được đánh giá là một động lực quan trọng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Từ đây, câu chuyện “gói kích cầu 2” trở thành mối quan tâm nổi bật trong những tháng cuối năm 2009 của giới đầu tư chứng khoán.
Liên quan đến chính sách này, một “trợ lực” được dư luận quan tâm với những hoài nghi về một nguồn tiền được hỗ trợ lãi suất chảy vào chứng khoán, góp phần tạo sự bùng nổ của nguồn tiền trên sàn trong năm 2009. Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhiều lần lên tiếng phủ nhận lại những hoài nghi này.
6. Chuyện lạ tăng vốn, thoái vốn
Ngày 26/8, Tập đoàn Bảo Việt có văn bản trình Đại hội cổ đông bất thường liên quan đến việc Vinashin thoái vốn. Thoái vốn là một hoạt động bình thường trong đầu tư, nhưng thoái vốn của cổ đông chiến lược tại một tập đoàn trước thời hạn thì chưa có tiền lệ tại Việt
Một câu chuyện khác có từ phương án tăng vốn của Vietcombank với giả thiết chỉ phát hành thêm theo hướng có lợi cho các cổ đông nhỏ. Câu chuyện này lập tức tạo làn sóng phản ứng từ thị trường với nhiều ý kiến trái chiều. Và phương án tăng vốn theo giả thiết đó cũng chưa từng có trong tiền lệ.
Trong khi đó, tại Vinaconex là việc xử lý vốn thặng dư bán cổ phần lần đầu và một số khoản khác với tổng giá trị gần 900 tỷ đồng. Liên quan đến những xáo trộn sau cổ phần hóa, việc hủy tư cách 4 cổ đông chiến lược tại Vinaconex cũng là sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận.
Những câu chuyện trên có những nội dung khác nhau, vẫn còn những quan điểm khác nhau, nhưng điểm chung là đều có thể ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của doanh nghiệp, hoặc đối với tâm lý cổ đông, nhà đầu tư và có thể là cả giá cổ phiếu trên sàn.
7. Nhiều “vụ nổ” chưa từng có trên OTC
Ngày 5/5, thị trường OTC rúng động trước thông tin xẩy ra “vụ nổ” trong giao dịch cổ phiếu MB (Ngân hàng Quân đội) với giá trị lên tới 33 tỷ đồng; người bán không thu được tiền và tạo hiệu ứng náo loạn tại các đầu mối giao dịch. Đầu tháng 11, thị trường lại xôn xao về thông tin một “vụ nổ” tương tự. Tháng 7, vụ việc khiếu nại kéo dài của một nhóm nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Phố Wall liên quan đến các giao dịch trên sàn OTC cũng là một trường hợp đáng chú ý…
Những trường hợp trên đều đã được dàn xếp, nhưng một lần nữa cho thấy sự rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường này, cũng như đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc tổ chức thị trường.
8. ICV thoái vốn và biến động vốn ngoại
Ngày 3/9/2009, Indochina Capital Vietnam Holdings Limited (ICV) ra quyết định thoái vốn để đóng quỹ. Lần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt
Liên quan đến nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), lượng vốn đã rút khỏi Việt Nam trong năm 2009 ở khoảng 500 triệu USD (theo số liệu từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo trước Quốc hội tháng 11). Lượng vốn vào – ra cụ thể tính chung cho cả năm hiện vẫn chưa có con số công bố cụ thể. Còn giao dịch trên sàn, sau tháng 9 bán ròng kỷ lục với hơn 2.000 tỷ đồng trên HOSE, khối đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng liên tiếp trong 3 tháng cuối năm.
9. Năm bùng phát tin đồn
Có thể xem năm 2009 là năm thị trường chứng khoán có tần suất tin đồn xuất hiện nhiều nhất từ trước tới nay. Đa số những tin đồn này tập trung ở những điều chỉnh về chính sách tiền tệ có khả năng ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán.
Trong nhận định hàng ngày của các công ty chứng khoán, hay bình luận của các chuyên gia, tin đồn được dẫn giải như những nguyên nhân cụ thể gây biến động thất thường trên thị trường tại các thời điểm. Đáng chú ý là có những tin đồn… chính xác, và hiện chưa có trường hợp nào liên quan bị xử lý và công bố.
10. Đấu thầu trái phiếu Chính phủ liên tiếp thất bại
Hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ liên tiếp thất bại trong năm 2009, xét về lượng vốn huy động. Nguyên nhân chính được giải thích do lãi suất không hấp dẫn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2009, nhu cầu huy động vốn vào khoảng 200.000 tỷ đồng, thế nhưng đến hết tháng 10/2009, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ đã phát hành chỉ được khoảng 20.000 tỷ đồng, chỉ đạt 14 % kế hoạch đề ra.
Trong năm 2009, lần đầu tiên trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ được đấu thầu tại HNX. Qua 6 phiên, tổng khối lượng đăng ký là 2.089,2 triệu USD, gấp 3,8 lần so với khối lượng gọi thầu; tổng khối lượng trúng thầu 387,11 triệu USD, tỷ lệ thành công đạt 70,38%.